vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức >Top 5 xu hướng định hình thế giới công nghệ trong năm 2022

Top 5 xu hướng định hình thế giới công nghệ trong năm 2022

Hơn hai năm sống cùng đại dịch Covid-19, thế giới dần thích nghi hơn với những thay đổi bất ngờ. Công nghệ cũng thế, không ngừng thay đổi và tiến về phía trước, hỗ trợ ngày càng nhiều lĩnh vực của đời sống. Đặc biệt, sự chuyển mình của công nghệ có tác động to lớn đối với ngành công nghiệp truyền thông – giải trí. Trong bài viết này, hãy cùng Vietnam VFX-Animation điểm qua 5 xu hướng công nghệ được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2022, cũng như ý nghĩa của chúng với các nhà sáng tạo nội dung trên toàn cầu.

Siêu vũ trụ ảo (Metaverse)

Những tháng cuối năm 2021, sự ủng hộ to lớn của Mark Zuckerberg dành cho Metaverse (siêu vũ trụ ảo), cũng như công bố đổi tên Facebook thành Meta đã phản ánh tham vọng từ “gã khổng lồ” công nghệ trong việc dựng nên vũ trụ ảo của riêng mình. Điều này được kỳ vọng sẽ mở ra “chương mới” cho Internet; đồng thời, cụm từ Metaverse và những khái niệm liên quan cũng trở thành xu hướng đầu năm 2022.

Ảnh: Foundry

“Internet thậm chí còn đa dạng và phong phú hơn những gì chúng ta nghĩ”, đây là lời khẳng định của Mark Zuckerberg tại sự kiện Facebook Connect diễn ra vào tháng 10/2021. Bên cạnh đó, người sáng lập Facebook nhấn mạnh thêm, đây là “nơi mà bạn có thể làm được hầu hết bất cứ thứ gì mà bạn tưởng tượng, từ gặp gỡ bạn bè và gia đình, làm việc, học tập đến vui chơi, mua sắm, sáng tạo, cũng như nhiều thứ hoàn toàn mới lạ mà chúng vốn không hợp với cái cách mọi người vẫn nghĩ về máy tính hoặc điện thoại ngày nay.”

Đáng chú ý, trong bài phát biểu 90 phút ngày hôm đó, Zuckerberg đề cập đến cụm từ Metaverse hơn 80 lần, ông thừa nhận rằng “cách tốt nhất để hiểu Metaverse chính là tự mình trải nghiệm; tuy nhiên, điều này có vẻ hơi khó khăn vì nó chưa hoàn toàn tồn tại.”

Metaverse có thể sẽ làm thay đổi cách thức chúng ta nhìn nhận về Internet. (Ảnh: Digital Bodies)

Những gì chúng ta biết về Metaverse chỉ là khả năng vô tận của nó. Nhìn chung, đây là nơi tập hợp các hình ảnh đại diện cùng tồn tại trong một vũ trụ và chúng có thể tương tác với nhau. Thậm chí, bạn có thể sở hữu, sáng tạo và trao đổi tài sản ảo tương tự đời thật. Kết quả là, chúng ta sẽ có một thế giới 3D được nhìn thấy bởi công nghệ thực tế ảo (VR – Virtual Reality) hay thực tế tăng cường (AR – Augmented Reality).

Hiện nay, một số công nghệ kết hợp tạo nên Metaverse thường được biết đến với cái tên “Web 3.0”. Hiểu đơn giản, Web 3.0 là thế hệ thứ 3 của Internet, một tương lai Internet không bao gồm máy chủ, ở đó người sử dụng có quyền kiểm soát dữ liệu của bản thân. Hơn nữa, những tiến bộ về VR, AR, Blockchain, 5G hứa hẹn sẽ mang đến thế giới Metaverse phi tập trung và đầy sống động. Ngoài ra, ranh giới giữa thực và ảo dần trở nên mờ nhạt bởi sự phát triển của giao diện máy tính – não (BCI – Brain Computer Interface), một giao diện điều khiển thần kinh tạo ra tương tác giữa tín hiệu não với thiết bị bên ngoài. 

Facebook và giấc mộng Metaverse (Nguồn: VTV24)

Vậy Metaverse có ý nghĩa thế nào đối với Kỹ xảo điện ảnh (VFX) và Hoạt hình (Animation)?

Trên thực tế, sự ra đời của Metaverse chắc chắn sẽ làm thay đổi cách thức sáng tạo nội dung nhằm cung cấp phong cách thưởng thức hình ảnh mới cho nhiều đối tượng người xem hơn nữa. Do đó, vào tháng 11/2021, Unity đã đưa ra quyết định mua lại công ty VFX Weta Digital, đội ngũ sáng tạo Weta Digital gia nhập Unity không nằm ngoài mục tiêu mở rộng nội dung sang Metaverse trong tương lai. 

Tuy nhiên, đối với thế hệ Internet tiếp theo này, câu hỏi được đặt ra, đó là dữ liệu người dùng vẫn bị kiểm soát bởi các nền tảng công nghệ độc quyền như Facebook và Google; hay sẽ dần trở nên cởi mở và phi tập trung? Nếu điều thứ hai trở thành hiện thực, có lẽ sức sáng tạo và sự tự do trong nghệ thuật sẽ vượt ngoài khả năng tưởng tượng của chúng ta. 

Học máy (Machine Learning) 

Đúng như dự đoán, trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng, đặc biệt là sự xuất hiện của Machine Learning. Machine Learning được xem là một ứng dụng của công nghệ AI, liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng kỹ thuật cho phép các thiết bị công nghệ có thể tự động “học” từ dữ liệu để đưa ra các dự đoán, phân loại và giải quyết các vấn đề. 

Trong những năm gần đây, phương thức thiết kế phần mềm với số lượng code tối thiểu (Low-code) đã cho phép nhà phát triển tham gia vào quy trình tạo nên những nền tảng Machine Learning mà không cần hiểu biết những kiến thức lập trình phức tạp. Microsoft PowerApps, Visual LANSA và OutSystems là một số nền tảng Machine Learning hoàn toàn phù hợp với người mới bắt đầu. Ngoài ra Google AutoML còn là nền tảng No-code (Không cần viết mã) giúp đào tạo các mô hình học máy chất lượng cao mà nỗ lực chỉ ở mức tối thiểu.

CopyCat – một công cụ bên trong Nuke ứng dụng Machine Learning nhằm tối ưu hóa nhiều quy trình sản xuất VFX (Nguồn: Ftrack)

Những tác vụ tổng hợp quan trọng ở lĩnh vực Kỹ xảo điện ảnh như Keying hay Rotoscoping cũng có thể được hoàn thiện bằng công nghệ Machine Learning. Chỉ trong năm nay, thông qua sự hỗ trợ từ Machine Learning, dự án SmartROTO đến từ nhóm nghiên cứu của Foundry được hoàn thành với mong muốn đẩy nhanh quá trình Rotoscoping vốn đòi hỏi nhiều thời gian. 

Machine Learning sẽ góp phần làm thay đổi cách thức làm việc của các studio VFX & Animation. (Ảnh: Toolbox Studio)

Mặc dù giai đoạn sản xuất của SmartROTO vẫn chưa diễn ra; tuy nhiên câu chuyện đằng sau dự án là một phần trong những nỗ lực không ngừng nghỉ của Foundry nhằm lan tỏa công nghệ Machine Learning đến với các Artist, góp phần giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật khó nhằn theo cách thức nhẹ nhàng nhất có thể.

Hoạt hình (Animation)

Giai đoạn 2022-2026, ngành công nghiệp Hoạt hình (Animation) và Kỹ xảo điện ảnh (VFX) dự kiến sẽ tăng trưởng 9%. Đặc biệt, thị trường Hoạt hình 3D (3D Animation) sẽ còn phát triển nhanh chóng nhờ vào các công ty chủ chốt trong ngành như DNEG, Rodeo FX và Flying Bark. 

Ảnh: Disney Fandom

Đến năm 2025, ước tính giá trị ngành công nghiệp Hoạt hình 3D sẽ vươn tới con số 15,880 triệu USD. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi nhìn thấy những tiến bộ về công nghệ sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Đồng thời, sự phát triển của VR trong Hoạt hình cũng sẽ mở ra một thế giới hoàn toàn mới mẻ.

Trên cơ sở tiến bộ của công nghệ hình ảnh, khả năng sản xuất cũng như nhiều yếu tố hỗ trợ, chúng ta đã có thể tạo ra các sản phẩm VR tốt hơn và thúc đẩy sự ra đời của công cụ tạo mô hình 3D trong VR. Ngày càng nhiều nhà làm phim tách khỏi phương pháp tạo hình 3D truyền thống; thay vào đó, họ sẽ tìm hiểu sâu hơn và đầu tư vào công nghệ VR để sáng tạo các nội dung về hoạt hình.

Sản xuất nội dung theo thời gian thực (Real-time Workflows)

Game Engine và Virtual Production (Phim trường ảo) sẽ tiếp tục tạo nên làn sóng trong ngành công nghiệp Kỹ xảo điện ảnh và Hoạt hình. Sức hấp dẫn của công nghệ này nằm ở câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chuyển hóa ý tưởng của bản thân trở thành hình ảnh nhanh chóng như cái cách mà bạn có được chúng?

TVC quảng cáo được thực hiện tại Virtual Production (Phim trường ảo) ứng dụng Real-time Workflows (Nguồn: Samsung)

Các màn hình LED khổng lồ, Game Engine hay các camera tích hợp VFX sẽ được nhà làm phim, đạo diễn kết hợp khéo léo nhằm tạo ra những nội dung hấp dẫn. Aaron Sims Creative, studio nổi tiếng với các phương pháp truyền thống để truyền tải nội dung đã bắt đầu chuyển sang ứng dụng mô hình sản xuất theo thời gian thực (Real-time Workflows) trong Dive – loạt phim ứng dụng Game Engine cùng nhiều kỹ thuật liên quan đến tạo dựng phim trường ảo (Virtual Production).

Hình ảnh bên trong các phim trường ảo. (Ảnh: CGPress và NYU Tandon School of Engineering)

Hiện nay, công nghệ Real-time vẫn thống trị các cuộc thảo luận xung quanh chủ đề sáng tạo nội dung, cũng như cách thức mà nó có thể kết hợp với các phương pháp sản xuất hậu kỳ truyền thống. Tại Hội nghị GTC diễn ra vào tháng 12/2021, những nhân vật chủ chốt của Foundry rất hào hứng khi nói về chủ đề The Reality of Real-time. Tại đó, Foundry đã nói về quy trình làm việc và sản xuất hình ảnh, video trong thời gian thực (real-time), cho phép nhà làm phim và các Artist có thể bắt tay thực hiện giai đoạn hậu kỳ ngay lập tức sau tiếng hô “cắt” của đạo diễn.

Bên cạnh đó, với việc sản xuất nội dung trong môi trường Virtual, các nhà làm phim có thể rút ngắn thời gian hậu kỳ với rất nhiều khâu được thực hiện ngay trong giai đoạn Pre-Production và Production, cụ thể như giai đoạn phác thảo và dựng hình (Pre-vis). Ngoài ra, khâu lighting hay rendering cũng có thể được các Artist chỉnh sửa ngay trong giai đoạn thực hiện ở trường quay.

Trong nước, Virtual Production cũng đang dần được các nhà làm phim để ý đến tuy nhiên chưa thật sự phổ biến vì chi phí thiết bị đắt đỏ. Trong một talkshow về ngành VFX tại Việt Nam, Anh Thierry Nguyễn (Founder Bad Clay Studio) từng chia sẻ về vấn đề này rằng: “Chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều bộ phim Việt Nam sử dụng công nghệ mới này. Tuy nhiên chi phí cho các thiết bị công nghệ này khá đắt đỏ và cũng cần một địa điểm đủ lớn để có thể hoạt động nên hiện tại Virtual Production vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam.”

Anh Thierry Nguyễn (Founder Bad Clay Studio) 

Xem thêm: Thierry Nguyễn phỏng vấn độc quyền cùng Vietnam VFX-Animation

Thúc đẩy các tiêu chuẩn mở (Open Standards)

Công nghệ mã nguồn mở (Open Source) tiếp tục là chủ đề nóng khi bước sang năm 2022. Bởi lẽ, lợi ích to lớn mà mã nguồn mở mang lại giúp tăng cường mối quan hệ cộng tác trong quy trình làm việc của người nghệ sĩ. Đồng thời, các tiêu chuẩn mở (Open Standards) ngày càng trở nên quan trọng khi thế giới vẫn sống cùng đại dịch COVID-19 và làm việc từ xa dần trở thành tiêu chuẩn thực tế tại nhiều công ty.

Công nghệ mã nguồn mở cho phép kết nối tất cả mọi người, thúc đẩy các tiêu chuẩn mới. Điều này có nghĩa rằng nhiều tổ chức có thể tham gia sửa đổi, cập nhật tính năng cho phần mềm đặt trước của riêng họ trước khi tự do chia sẻ phần mềm này mà không cần giấy phép từ bên thứ ba. Đồng thời, công nghệ này cũng mang đến khả năng lưu chuyển dữ liệu một cách xuyên suốt, từ định dạng tệp tiêu chuẩn đến việc tích hợp giữa các ứng dụng.

Ảnh: Foundry

OpenColorIO, OpenEXR và OpenVDB là những công cụ giúp các studio VFX hợp tác với nhau dễ dàng hơn trong quá trình sản xuất một bộ phim. Trong khi đó, Universal Scene Description (USD) – mã nguồn lõi trong việc quản lý quy trình sản xuất 3D tại Pixar Animation Studio tiếp tục góp phần làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp Kỹ xảo điện ảnh – Hoạt hình 3D. Theo đó, USD sở hữu chi tiết thông tin các mã nguồn mở về scence 3D, bao gồm cả những tệp dữ liệu trung gian được phát triển bởi Pixar. Nhìn chung, USD chứa đựng khả năng kết nối hàng ngàn Artist làm việc trên các phần mềm khác nhau, sinh sống tại những vùng miền khác nhau có thể cùng cộng tác trong một dự án. Đây được xem là tiêu chuẩn mở, khuyến khích tạo nên quy trình làm việc thông minh, gia tăng tính hợp tác giữa các bộ phận – một yếu tố quan trọng nhằm thực hiện hóa ý tưởng sáng tạo một cách nhanh chóng.

Nguồn tham khảo: foundry.com

Diệu Ngô