vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức về ngành >DC Studios và 10 bài học có thể học hỏi từ các tựa phim hoạt hình của hãng
hoat-hinh-dc-thumbnail

DC Studios và 10 bài học có thể học hỏi từ các tựa phim hoạt hình của hãng

Mặc dù các tựa phim hành động của DC Studios đã gặt hái được thành công đáng kể trong những năm qua, thế nhưng chúng vẫn còn nhiều tiềm năng để bùng nổ hơn nữa. Dưới đây là 10 bài học những nhà sản xuất phim Live-Action của DC có thể học hỏi ngay từ loạt phim hoạt hình nổi tiếng của hãng. 

Kể từ khi ra mắt vào năm 1937, DC Comics đã khai sinh ra những nhân vật anh hùng mang tính biểu tượng, những câu chuyện được yêu thích nhất trong lịch sử truyện tranh. Thế nhưng nỗ lực gần đây của công ty trong việc chuyển thể hình ảnh các siêu anh hùng lên màn ảnh rộng dường như đã không đạt được thành công như mong đợi. Ngược lại, các loạt phim hoạt hình về vũ trụ siêu anh hùng của DC lại luôn được đánh giá cao cả về chất lượng và nội dung. Có thể nói rằng sau khi phát hành Batman: Mask of the Phantasm vào năm 1993, DC Comics đã liên tục cho ra mắt những bộ phim hoạt hình siêu anh hùng xuất sắc, không chỉ mang đến cốt truyện mới lạ, hấp dẫn mà còn tôn vinh những bộ truyện tranh kinh điển của công ty.

Dù cảm nhận của mỗi người hâm mộ về các bộ phim hành động của DC khác nhau, tuy nhiên khó ai có thể phủ nhận rằng loạt phim này cần được cải thiện, trong khi đó, những “ông lớn” trong lĩnh vực hoạt hình có thể chính là nguồn cảm hứng cần thiết. Những tựa phim hoạt hình của DC đã có được thành công ấn tượng từ cách khai thác đa vũ trụ rộng lớn cho đến khả năng kết nối, dẫn dắt những mạch truyện phức tạp; vì vậy cơ hội học hỏi từ những cuộc phiêu lưu tuyệt vời này là không thể bỏ qua. Với sự trở lại của James Gunn trong vai trò là người tái khởi động lại Vũ trụ Mở rộng DC (DCEU), hãy cùng Vietnam VFX-Animation điểm qua 10 bài học kinh nghiệm từ thế giới phim hoạt hình DC mà các nhà sản xuất có thể áp dụng cho những tựa phim siêu anh hùng sắp tới.

Xem thêm: 10 series hoạt hình được yêu thích nhất vũ trụ DC

1. Khai thác thế giới song song và phát triển thế hệ tương lai của nhân vật

Những bộ truyện tranh nổi tiếng nhất của DC thường có sự xuất hiện của đa vũ trụ hay thế giới song song (Elseworlds). Bằng cách khai thác Elseworlds, hãng mang đến cho người xem những anh hùng yêu thích của họ trong cốt truyện mới hoàn toàn khác biệt. Minh chứng cho sức hút của thể loại này là những tựa phim hoạt hình như Justice League: Gods and Monsters hay Gotham by Gaslight đã được đón nhận nhiệt tình từ công chúng. Bên cạnh đó, một số tựa phim mới được ra mắt như Justice League: Warworld đã đưa đa vũ trụ trở thành chủ đề chính được khai thác trong loạt phim hoạt hình của DC.

Sự tự do trong các kịch bản Elseworlds là nền tảng cho những cú plot twist mà độc giả không thể ngờ tới.

Người xem đâu thể ngờ rằng mình sẽ nhìn thấy Batman sống trong thời kỳ Victoria hay Superman ở Liên Xô. Trong vũ trụ điện ảnh DC, ngoài The Flash, người xem chưa được giới thiệu cụ thể về đa vũ trụ, tất cả những gì được tiết lộ mới chỉ là cái nhìn thoáng qua về các thực tại song song và những mảnh ghép chưa thành hình của tương lai. Việc tập trung chuyển thế những tựa truyện Elseworlds chắc chắn sẽ là một chiến lược đáng mong đợi, mở ra cơ hội phát triển không giới hạn cho các cốt truyện siêu anh hùng đã sớm trở nên quen thuộc. Hơn thế, điều này cũng là thời cơ cho những diễn viên mới có thể bước vào thế giới của DCEU, làm mới lại hình ảnh của những siêu anh hùng nổi tiếng.

2. Tập trung phát triển câu chuyện phía sau từng nhân vật

Phim hoạt hình của DC đã khai thác gần như mọi nhân vật chính trong lịch sử truyện tranh lâu đời của công ty, và một số nhân vật trong đó thậm chí đã có phim riêng. Trong khi hình ảnh Batman đã được khai thác liên tục trong các bộ phim hoạt hình với nhiều phần như Year One, Mask of the Phantasm, Bad Blood và nhiều phim khác thì hầu hết các anh hùng còn lại cũng đã từng được đưa lên phim. Điều này mang lại cho người xem có cái nhìn chi tiết hơn về bối cảnh, quá khứ phía sau mỗi nhân vật, góp phần khiến sự liên kết giữa các anh hùng và biệt đội của họ trở nên càng sâu sắc và ý nghĩa.

Tập trung xây dựng kỹ lưỡng từng nhân vật có thể khiến DCEU có chiều sâu và toàn diện hơn.

Trong nỗ lực mở rộng vũ trụ điện ảnh DC một cách nhanh chóng, những năm qua, DCEU đã có xu hướng giới thiệu các nhân vật quá ồ ạt, dẫn đến việc khán giả cảm thấy hụt hẫng khi các nhân vật mới chỉ được thể hiện một cách sơ sài. Ngược lại, những nhân vật được phát triển trước đây trong DCEU như Wonder Woman, Aquaman hay Shazam lại được đánh giá cao bởi người xem đã có quá trình hiểu rõ từng phiên bản của các nhân vật này. Thế nhưng khi hình ảnh Wonder Woman trở lại trong Batman Vs. Superman (2016), người xem dường như hoàn toàn mơ hồ với phiên bản Wonder Woman xuất hiện chớp nhoáng của Gal Gadot. Việc thể hiện mạch lạc mối liên kết giữa các nhân vật, các phiên bản chính là điều mà DCEU có thể học hỏi từ thành công của những tựa phim hoạt hình DC.

3. Phát triển câu chuyện chậm rãi và trọn vẹn

Các nhà làm phim hoạt hình DC đã không ngần ngại chuyển thể những câu chuyện của mình thành nhiều phần phim, trong đó mạch truyện chính về vũ trụ DC vẫn luôn duy trì được sự liền mạch và gắn kết. Những sự kiện diễn ra trong Batman tạo ra ảnh hưởng tới Teen Titans, trong khi đó, những câu chuyện của Justice League (Liên Minh Công Lý) vẫn tiếp nối hai phần phim của Superman (Death of Superman và Reign of the Supermen) một cách logic và mạch lạc. Ngay cả trong những nhánh truyện độc lập hơn như Batman: The Long Halloween, DC sẵn sàng chia phim thành nhiều phần, cho phép mạch phim được triển khai từ tốn, đi sâu hơn vào từng thế giới và câu chuyện của từng nhân vật. Bằng cách này, vũ trụ hoạt hình của DC có được mối liên kết rõ ràng, đem lại cho khán giả những mảnh ghép trọn vẹn về mỗi siêu anh hùng nói riêng và về những câu chuyện của DC nói chung.

DCEU có thể tạo tiếng vang lớn từ việc tập trung vào nghệ thuật kể chuyện, xây dựng nhân vật và tình huống

Việc DCEU chỉ tập trung để nhanh chóng mở rộng vũ trụ siêu anh hùng trên màn ảnh rộng đã khiến cốt truyện phía sau mỗi bộ phim bị thể hiện quá vội vàng, những nền tảng cơ bản để tạo ra câu chuyện thường bị đặt sang một bên. Ví dụ như trong trường hợp nhân vật Superman của Henry Cavill, siêu anh hùng của chúng ta đã phải đối mặt với toàn bộ kẻ thù đáng gờm nhất và hi sinh ngỡ ngàng ngay từ 2 bộ phim đầu tiên về nhân vật này. Trong khi đó, ở những bộ phim hoạt hình, sự phát triển của các nhân vật được diễn ra tự nhiên và chậm rãi, nhờ vậy khán giả mới có thời gian để “ngấm”, để hiểu và có được sự đồng cảm với các nhân vật và thế giới của họ.

4. Khai thác những nhân vật phụ đã có sẵn

Trong suốt những năm qua, phim hoạt hình DC từng giới thiệu hàng trăm nhân vật, từ đó, các tình tiết, sự kiện của các bộ phim đã được mở rộng chứ không chỉ xoay quanh Liên Minh Công Lý. Bên cạnh những nhân vật quen thuộc, đã có Jessica Cruz, Mr. Terrific, Vixen, Ác quỷ Etrigan, Captain Atom, Major Force, và vô số nhân vật khác đã được các nhà sản xuất khai thác và thu hút được sự chú ý lớn từ khán giả. Từ góc độ bán truyện tranh, việc giới thiệu những nhân vật mới lạ và có phần bí ẩn sẽ thu hút một lượng lớn sự hứng thú của độc giả tới câu chuyện của họ. Bên cạnh đó, những gương mặt lạ lẫm này cũng mang đến cho các bộ phim hoạt hình một luồng sinh khí mới và gợi lên sự tò mò của người xem. Hẳn bạn đã biết Green Lantern và Aquaman là ai, nhưng Zatanna? Power Girl? Liên Minh Công Lý Bóng Tối? Chắc chắn những người hâm mộ trung thành của DC vẫn luôn sẵn sàng để được khám phá sâu hơn về những nhân vật này.

Đưa những nhân vật phụ trong truyện lên tuyến chính để khai thác có thể là bước đi đúng đắn cho DCEU.

Nhìn chung, DCEU đã có thành tựu khá tốt khi thực hiện nước đi có phần mạo hiểm này. Cụ thể trong Suicide Squad, dù ban đầu chỉ được biết đến với một gương mặt nổi bật là Harley Quinn, bộ phim vẫn tạo ra được tiếng vang tốt cho vũ trụ DC sau khi công chiếu. Bên cạnh đó, Shazam và Blue Beetle – hai nhân vật quan trọng trong truyện tranh nhưng lại không mấy nổi tiếng, sau khi được chuyển thể với phiên bản phim hành động đã được đón nhận rộng rãi. Điều này đã khẳng định rằng những nhà sản xuất phim của DCEU ắt hẳn có thể mở rộng vũ trụ của DCEU xa hơn từ tuyến nhân vật phụ. Khi những bộ phim trước đó chỉ bó hẹp quanh các gương mặt quen thuộc của Liên Minh Công Lý, DCEU cần phát triển câu chuyện về cả những gương mặt mới lạ, độc đáo hơn để có thể nâng cao tính cạnh tranh của dòng phim siêu anh hùng đã quá quen thuộc này.

5. Bám sát vào nguyên tác truyện tranh

Trong kho tàng tác phẩm của DC, đã có rất nhiều bộ phim hoạt hình được chuyển thể trực tiếp từ những tựa truyện tranh nổi tiếng. Những câu chuyện như The Doom that Came to Gotham, Under the Red Hood và All-Star Superman đã có đôi chút thay đổi khi được đưa lên phim hoạt hình cho phù hợp với mạch phim tổng thể, tuy nhiên phần lớn cốt truyện gốc vẫn được giữ nguyên. Thậm chí, với bộ Justice League: The New Frontier, các nhà làm phim hoạt hình còn sử dụng luôn phong cách vẽ của Darwyn Cooke – tác giả của bộ truyện tranh. Kể cả những phim đã được thay đổi đáng kể các tình tiết sự kiện như Justice League: War thì cốt truyện nền tảng phía sau vẫn không thay đổi. Điều này giúp những cuộc phiêu lưu của các siêu anh hùng nhà DC được thể hiện một cách mới mẻ trên phim nhưng vẫn không mất đi tinh thần gốc của bộ truyện, từ đó thu hút được số lượt xem khổng lồ đến từ người hâm mộ trung thành của những tựa truyện kinh điển này.

Các nhà làm phim không cần thiết phải hy sinh dấu ấn cá nhân của họ để có được một bản chuyển thể trung thành với nguyên tác.

Thật khó để nói rằng những phiên bản phim hành động của DC luôn được chuyển thể hoàn toàn chính xác theo truyện tranh. DC Comics sở hữu một gia tài những câu chuyện hay nhất từng được viết, nhưng dường như ít đội ngũ nào thực sự sẵn sàng để tiếp tục xây dựng những tình tiết, câu chuyện mới dựa trên nền tảng vững chắc này. Việc các nhà làm phim điện ảnh muốn truyền tải trọn vẹn những giá trị của nguyên tác trên màn ảnh rộng là dễ hiểu, xong điều đó không có nghĩa là họ phải tạo ra những bản sao 1-1. Lấy ví dụ về Aquaman – một trong những bộ phim chuyển thể gần đây của DCEU, đạo diễn James Wan đã thành công khi lấy nhiều điểm cốt truyện quan trọng từ sự kiện truyện tranh Throne of Atlantis và pha trộn chúng với góc nhìn sáng tạo của ông, từ đó tạo ra một tác phẩm được đón nhận rộng rãi.

6. Đưa những gương mặt mới lên màn ảnh

Trong quá khứ, mới chỉ có duy nhất một tựa phim hoạt hình của DC thật sự cho ra mắt một nhân vật dành riêng cho bộ phim. Cụ thể, ở Batman: Mask of the Phantasm, DC đã sáng tạo một nhân vật mới dựa trên tinh thần của Batman, đó là Phantasm, một kẻ phản diện bí ẩn với chiếc mặt nạ ma quái, mang đến thành công cho bộ phim nhờ bầu không khí rùng rợn và kinh dị. Trong khi đó, Batman: The Animated Series và Batman Beyond lại thành công trong việc đưa những nhân vật chưa từng xuất hiện trong truyện tranh lên màn ảnh nhỏ. Harley Quinn, với tính cách điên rồ nhưng quyến rũ, nhanh chóng trở thành một trong những nhân vật được yêu thích nhất của DC dù ban đầu chỉ là nhân vật phụ được phát triển dần dần trong series. Terry McGinnis, Batman của tương lai, cũng mang đến một góc nhìn mới mẻ về thế giới của Người Dơi.

Mặc dù phần lớn thời gian, DC dựa vào gốc truyện tranh có sẵn của hãng để tạo ra những bộ phim hoạt hình được lòng người hâm mộ, bên cạnh đó, đội ngũ sản xuất phim cũng đã tạo được dấu ấn trong việc xây dựng câu chuyện cho các nhân vật chưa từng xuất hiện trước đó. Họ tận dụng sức hút của các nhân vật và cốt truyện quen thuộc từ truyện tranh, đồng thời không ngại giới thiệu những nhân vật hoàn toàn mới để mở rộng thế giới của DC. Đây là một chiến lược thông minh, vừa thỏa mãn fan hâm mộ của truyện tranh gốc, vừa thu hút thêm những khán giả mới.

Việc đưa các nhân vật mới hoàn toàn vào các bộ phim live-action có thể mang lại lợi ích lớn cho hãng.

Cũng như các series phim hoạt hình DC, các nhà sản xuất DCEU cũng có thể phát huy việc đưa những gương mặt mới vào các bộ phim live-action. Điều này mang đến cho họ khả năng mở rộng thêm các nhánh mới trong vũ trụ điện ảnh của mình, tạo ra những câu chuyện độc đáo và đa dạng. Nước đi này đồng thời cũng là một chiến lược marketing thông minh, vì sau đó họ có thể đưa các nhân vật vào truyện tranh như cách họ đã làm với Harley Quinn, nhân vật sau đó đã trở thành một trong những hiện tượng văn hóa pop lớn nhất mọi thời đại. Hơn thế, DCEU còn có thể tiếp tục làm mới những câu chuyện này bằng cách tạo ra phiên bản khác của các nhân vật trong đa vũ trụ, như cách Vũ trụ điện ảnh Marvel đã từng làm.

7. Sẵn sàng cho những ý tưởng táo bạo

Ở những tựa phim hoạt hình của DC, quyền tự do sáng tạo đã cho phép các nhà làm phim đưa ra một số quyết định vô cùng độc đáo. Nhờ vậy, chúng ta mới có những câu chuyện kỳ lạ như cuộc chiến giữa Batman với robot khổng lồ và bầy khỉ trong Batman: Ninja. Một số phim khác lại khai thác khía cạnh đen tối hơn, đi sâu vào những vùng đất kinh dị trong thế giới phép thuật của DC. Cũng có những phim đơn giản mang nét hài hước pha trộn với yếu tố siêu thực, hư cấu để tạo sự cân bằng. Chỉ trong thế giới hoạt hình, bạn mới được chứng kiến Batman điều khiển robot khổng lồ chiến đấu với phiên bản kaiju của các kẻ thù như trong Batman Unlimited: Mechs vs. Mutants. Truyện tranh vốn dĩ đã luôn chứa đựng những yếu tố kỳ ảo, lạ lùng, vậy tại sao phim chuyển thể lại không thể khai thác điều đó?

Những màu sắc, cá tính đa dạng sẽ làm nên sự phong phú cho DCEU.

Cho đến thời gian gần đây, DCEU vẫn là một thế giới u ám và khắc nghiệt, đặc biệt là trong các bộ phim phụ về Liên Minh Công Lý do Zack Snyder đạo diễn. Tuy nhiên, một số đạo diễn khác đã dần đưa dấu ấn cá nhân của họ vào các bộ phim live-action với những góc nhìn hài hước và kỳ lạ về Vũ trụ DC. Bà ngoại “hầm hố” của Blue Beetle, bầu không khí quái dị của The Suicide Squad hay câu chuyện phép thuật của Shazam đã thổi vào vũ trụ này một cảm giác lôi cuốn và dí dỏm. Nhưng điều này không có nghĩa là những bộ phim mang màu sắc đen tối và căng thẳng hơn không mất đi vị thế của mình. Mặt khác, những phong cách được sử dụng cần phù hợp với từng phim và đội ngũ làm phim. Bên cạnh đó, một số nhà làm phim chỉ đơn giản là cần có quyền được tự do sáng tạo và thỏa sức khám phá những góc tối bí ẩn nhất, kỳ lạ nhất của vũ trụ DC.

8. Khai phá tiềm năng ở những tuyền nhân vật khác

Phần lớn phim hoạt hình của DC xoay quanh những cuộc phiêu lưu của Justice League (Liên Minh Công Lý) với sự tập trung thường hướng vào Batman. Tuy nhiên đã có một số bộ phim dần tách ra khỏi những gương mặt quen thuộc này để khai thác cả những biệt đội, liên minh khác. Cụ thể, ngoài Justice League ra, Teen Titans, Justice Society hay Suicide Squad cũng đã thể hiện được sức hút đáng kể sau khi xuất hiện trong các tựa phim hoạt hình. Bên cạnh Superman và Batman, những tựa phim hoạt hình đã mang đến cơ hội tỏa sáng cho nhiều anh hùng khác của DC.

DC cần nhận ra rằng vũ trụ của họ vẫn còn rất nhiều anh hùng có tiềm năng phát triển

Đồng ý rằng Liên Minh Công Lý là biệt đội siêu anh hùng được đón nhận rộng rãi nhất của DC: hình ảnh của Batman, Superman, Wonder Woman, Aquaman,… đã từng duy trì được sức nóng trong nhiều thập kỷ, truyện về họ luôn bán chạy và doanh thu phòng vé vô cùng ấn tượng. Thế nhưng trong vũ trụ rộng lớn của DC, vẫn còn rất nhiều những “squad” khác xứng đáng được chú ý tới. Thành công của Suicide Squad và một số bộ phim trên màn ảnh rộng gần đây của hãng chính đã cho thấy công chúng cũng vô cùng hứng thú với những biệt đội mới của DCEU. Thêm vào đó, tầm ảnh hưởng của Peacemaker đã chứng minh rằng, chỉ cần có được đội ngũ sáng tạo phù hợp, thành công của DC sẽ không chỉ dừng lại ở Liên Minh Công Lý mà còn có thể mở rộng xa hơn nữa với nhiều tuyến nhân vật khác.

9. Thử nghiệm đa dạng thể loại

Một trong những yếu tố hấp dẫn nhất của phim hoạt hình DC là sự đa dạng. Có thể nói rằng, với những đối tượng khán giả khác nhau, DC luôn có ít nhất một bộ phim phù hợp với thị hiếu của họ. Hoạt hình của DC là một kho tàng đồ sộ, nơi người xem có thể tìm thấy mọi thứ: từ những cuộc phiêu lưu hài hước như DC’s League of Super Pets cho tới những giây phút kinh hoàng với đám quỷ dữ đến từ Constantine: City of Demons. Giống như trong truyện tranh, bất cứ điều gì cũng đều có thể xảy ra trong loạt phim hoạt hình DC; và sự đa dạng này đã mang đến cho các nhà làm phim nhiều cơ hội để tỏa sáng bất chấp những hạn chế của thể loại siêu anh hùng

Có rất nhiều hướng đi sáng tạo khác để phát triển vũ trụ DCEU

Lâu nay, DCEU vẫn thường bó hẹp những tác phẩm của họ trong dòng phim hành động siêu anh hùng. Dẫu cho cốt truyện gốc kể về những người hùng, các phiên bản truyện tranh và phim hoạt hình đã chứng minh rằng những thể loại có thể khai thác từ loạt truyện này có thể mở rộng hơn thế: hài kịch, du hành không gian, võ thuật cổ điển, kinh dị siêu nhiên,… Có vô vàn thể loại tiềm năng. phù hợp để kể những những câu chuyện siêu anh hùng, tiếc rằng các bộ phim của DCEU thường bỏ lỡ những cơ hội này và chỉ tập trung vào yếu tố hành động.

10. Ra mắt thế hệ Siêu Anh Hùng Mới của DC với khán giả màn ảnh rộng

Mặc dù nổi tiếng với những người hùng mang hình ảnh trưởng thành, vũ trụ DC cũng sở hữu một số siêu anh hùng trẻ tuổi được đánh giá là ấn tượng nhất trong lĩnh vực truyện tranh. Ví dụ như Robin, nhân vật xuất hiện lần đầu vào năm 1940 và đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới. Kể từ đó, DC không ngừng phát triển các nhân vật trẻ tuổi của mình, các bộ phim hoạt hình của họ cũng đã góp phần mang những nhân vật này đến gần hơn với khán giả. Trong vũ trụ hoạt hình chính của DC, mọi câu chuyện về Batman đều xoay quanh Robin, cụ thể là con trai ruột của anh, Damian. Ngoài ra chúng ta còn có Teen Titans cũng là một đội siêu anh hùng trẻ tuổi nổi tiếng đã nhiều lần được đưa lên màn ảnh nhỏ. Gần đây nhất, Legion of Superheroes và Battle of the Super Sons đã đưa làn sóng anh hùng nhỏ tuổi này lên một tầm cao mới.

DC cần mang những anh hùng trẻ tuổi của họ lên màn ảnh

Cho đến nay, các bộ phim live-action của DC dường như chưa thực sự tận dụng được tiềm năng của thế hệ siêu anh hùng trẻ tuổi. Ngoại trừ Blue Beetle và Shazam, DC gần như đã bỏ quên các anh hùng trẻ của mình trong lĩnh vực live-action. Tất cả những gì người xem biết về Robin chỉ là những ẩn ý xuất hiện thoáng qua trong Batman vs. Superman. Xét đến sự yêu thích rộng rãi của công chúng với những anh hùng trẻ tuổi và đối tượng khán giả tiềm năng của DCEU, thế hệ anh hùng mới này có thể sẽ dễ dàng được đón nhận rộng rãi. Do đó, việc DC không nắm bắt cơ hội này là điều khá bất ngờ.

Nguồn: Movieweb

Phương Cá