vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >Từ điển chuyên ngành Hoạt hình 3D (Phần 1: Các vị trí công việc)

Từ điển chuyên ngành Hoạt hình 3D (Phần 1: Các vị trí công việc)

Những công việc đặc thù trong ngành công nghiệp làm phim 3D luôn khiến dân ngoại đạo và các bạn trẻ yêu nghề gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu. Đây là những vị trí thường gặp trong một studio 3D điển hình.

Bạn có hứng thú với phim hoạt hình 3D và muốn tìm hiểu các công việc xoay quanh đến ngành hot này? Bạn cảm thấy bối rối và quay cuồng với những thuật ngữ lạ lẫm và khó định nghĩa mà các anh chị đi trước thường dùng? Đừng quá lo lắng nhé, hãy cùng MAAC khám phá những từ chuyên ngành về các vị trí công việc trong ngành qua bài viết sau đây.

Modeling Artist – Nặn dáng hình nhân vật

Liệu các bạn còn nhớ những viên đất sét đủ màu sắc mà ngày bé chúng ta vẫn hay chơi? Nếu trộn hết những màu sắc đó lại, chúng ta sẽ có được một cục đất to và xám xịt. Dù vô tình hay hữu ý, màu đất sét xám xịt này cũng trùng khớp với màu mặc định của những khối polygon trong phần mềm Autodesk Maya – Một trong những phần mềm làm phim 3D phổ biến nhất thế giới. Do đó, bạn có thể hiểu một cách đơn giản công việc hằng ngày của một Modeling Artist là trổ tài… nặn đất sét trên máy vi tính!

Công việc của một Modeling Artist là dựng mô hình 3D theo hình mẫu 2D. (Nguồn ảnh: medium.com)

Sự thật chứng minh: Tất cả mọi nhân vật, đồ vật và khung cảnh background trong phim đều được tạo ra từ những hình khối 3D cơ bản như: khối lập phương, khối cầu, khối trụ, chóp nhọn,… Nếu bạn đã từng mải mê đắm mình hàng giờ bên những viên đất sét ngày thơ bé, bạn cũng có thể thử sức với những vật thể từ đơn giản đến phức tạp trong vai trò là một nghệ sĩ dựng model 3D. Miễn là bạn có niềm đam mê vô tận với các thể loại hình khối và tạo hình nhân vật. Bạn cũng có thể thử “nghịch” những phần mềm như Autodesk Maya, Zbrush, Blender,… để hiểu rõ hơn công việc tuyệt vời này.

Texture Artist – Điểm tô vẻ đẹp cho nhân vật

Texture Artist là người điểm trang và phủ “lớp da” sinh động, đầy màu sắc lên tất cả nhân vật, đồ vật và khung cảnh background – Vốn đang xám xịt khi bước ra từ văn phòng của bộ phận Modeling. Công việc của họ không chỉ đơn giản là tô tượng như các bé mẫu giáo. Trên thực tế, họ là những bậc thầy trong việc sử dụng màu sắc để đặc tả các loại chất liệu khác biệt. Những hình khối xám xịt tương tự nhau trước đây có thể chuyển mình hóa thành sắt thép, vải vóc,… nhờ đôi tay khéo léo và con mắt tinh tế của họ.

Các bề mặt bên ngoài tự nhiên được tái hiện một cách hoàn hảo dưới đôi tay của Texture Artist. (Nguồn ảnh: 3dzip)

Có nền tảng và kiến thức về mỹ thuật và phần mềm Adobe Photoshop là một lợi thế nếu bạn muốn thử sức trong công việc này. Nền tảng mỹ thuật giúp bạn “họa bì” dễ dàng hơn và Photoshop là một trong những phần mềm thường dùng để vẽ texture. Tuy vậy, đây chỉ là điểm cộng giúp bạn theo đuổi công việc Texture Artist một cách dễ dàng hơn. Điều quan trọng nhất vẫn là niềm đam mê to lớn và nỗ lực học tập bền bỉ.

Sự khác biệt khi có và không có texture. (Nguồn ảnh: nerdreactor.com)

Rigging Artist – Tạo khớp xương làm tiền đề cho nhân vật chuyển động

Qua bàn tay điệu nghệ của những “chuyên viên trang điểm” Texture Artist, các nhân vật của chúng ta đã trở nên vô cùng, long lanh, xinh đẹp nhưng lại toàn thân bất toại vì… không có xương. Chính xác, là không có xương đấy, bạn không đọc nhầm đâu. Do vậy, chúng ta mới cần đến các nghệ sĩ làm rig 3D. Công việc chính của một Rigging Artist là tạo ra khung xương để nhân vật có thể cử động (rigging). Họ sẽ cần phối hợp chặt chẽ với bộ phận Animation để kiểm tra và đảm bảo các chuyển động của nhân vật đúng với thực tế, đồng thời quy định vùng da xung quanh khớp sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi khớp đó chuyển động, công việc này gọi là skinning. Bạn có thể dễ dàng nhận ra ảnh hưởng của khớp và vùng da quanh khớp bằng cách thử gập khuỷu tay của mình lại và quan sát sự thay đổi của vùng da xung quanh khuỷu. Khác với da của bạn, “làn da” của nhân vật 3D không có độ đàn hồi, và do đó, công việc skinning có thể xem là việc tạo ra sự đàn hồi cho da của nhân vật.

Rigging là tiền đề quan trọng cho bước Animation. (Nguồn ảnh: soutrikdey)

Layout Artist – Trợ lý đạo diễn kiêm nhà quay phim 3D

Có một câu nói phổ biến trong giới hoạt hình rằng: “Đối với một bộ phim 3D, Layout Artist đóng vai trò như một trợ lý đạo diễn”. Điều này đã mô tả chính xác công việc của bộ phận Layout. Họ là những người hỗ trợ đạo diễn sắp đặt bố cục cảnh quay và vị trí góc máy sao cho phù hợp. Họ cần có sự hiểu biết nhất định về công việc của các bộ phận khác như cách dựng model đơn giản, diễn hoạt, đánh đèn để có thể đưa lên khung hình những “bản nháp” đơn giản nhưng thể hiện đủ ý, giúp đạo diễn có thể hình dung được diễn biến câu chuyện và đưa ra feedback phù hợp. Một bộ phim 3D nếu vắng bóng các Layout Artist sẽ khó lòng đạt được chất lượng như ý.

Phim quảng cáo “Dish Network” trong giai đoạn Layout….

… và hoàn chỉnh. (Nguồn video: dreamfarmstudios.com)

Ngoài ra, Layout Artist còn là những nhà quay phim tài ba mà không cần phải… vác máy chạy khắp phim trường! Sử dụng các camera ảo trong phần mềm làm phim, quản lý các góc máy, chuyển động máy quay cũng như kiểm soát các lỗi thường gặp trong quá trình quay như lỗi raccord, vi phạm nguyên tắc 30°, nguyên tắc 180°,… Nếu cảm thấy bản thân có niềm đam mê vô tận với việc quay phim (mà không vác nổi máy) hay muốn thử sức ở vị trí trợ lý đạo diễn, bạn có thể suy xét trở thành gương mặt tiếp theo của bộ phận này.

Animator – Người thổi hồn vào những vật thể vô tri

Khác với phim điện ảnh, các nhân vật trong phim hoạt hình 3D không thể tự mình bước vào vị trí quay đã được đánh dấu trước và diễn xuất theo đúng yêu cầu của đạo diễn. Đó là lý do vì sao chúng ta có các Animator. Không chỉ đơn giản là cử động, các nghệ sĩ diễn hoạt 3D còn tạo ra tính cách và cảm xúc của nhân vật dựa trên từng chuyển động cơ thể, thông qua sự thay đổi tốc độ nhanh – chậm của động tác, biên độ lớn – nhỏ của hành động và sự kết hợp giữa các khớp xương của cơ thể.

Animator không chỉ tạo ra chuyển động… (Nguồn ảnh: amazonaws)

…. họ còn tạo ra tính cách và cảm xúc cho nhân vật. (Nguồn ảnh: gifer)

Những kẻ ngoại đạo thường chỉ sử dụng các rig trên cánh tay để nâng một chiếc ly, dùng rig của đôi chân để tạo ra những bước đi. Nhưng một animator thứ thiệt không bao giờ làm như thế! Họ hiểu rằng một hành động dù lớn, dù nhỏ cũng cần sự phối hợp đồng bộ của cả cơ thể. Có thể nói, họ là những người thổi hồn vào một bộ phim hoạt hình 3D. Và bạn cũng có thể là một trong số họ, nếu bạn thật sự có niềm mê vĩ đại dành cho diễn xuất.

Lighting Artist – Người kể chuyện về ánh sáng

Khi bạn ấn vào công tắc đèn điện, bóng đèn nhanh chóng bật sáng. Nhưng khi nhân vật của chúng ta nhấn vào mô hình công tắc, sẽ chẳng có gì xuất hiện cả nếu các Lighting Artist không thực hiện công việc của mình. Đúng như cái tên, công việc của bộ phận này sắp đặt và quản lý các nguồn sáng sẽ xuất hiện xuyên suốt bộ phim. Thoạt nghe tưởng đơn giản nhưng không hề dễ dàng, các “thợ đèn” cần truyền tải thông điệp của cảnh phim thông qua ánh sáng. Các mảng sáng tối xen lẫn trong khung hình cũng mang trong mình những giá trị nghệ thuật riêng và góp nên sự thành công của một bộ phim hoạt hình 3D.

Ánh sáng là yếu tố đem đến cảm xúc đặc biệt cho các cảnh phim. (Nguồn ảnh: heikevonpetersdorff.artstation.com)

Không chỉ tính toán thể loại ánh sáng, hướng ánh sáng và cường độ của đèn, các Lighting Artist còn cần quản lý cả những chiếc… bóng. Mỗi hình bóng đều có những tiêu chuẩn riêng, và phải làm sao để bóng của mọi vật nhìn chân thật, không quá sắc nét là những tiêu chí mà một người “thợ đèn” luôn quan tâm. Nếu cảm thấy có hứng thú với ánh sáng và bóng tối, bạn có thể xem xét việc trở thành một thành viên của bộ phận Lighting.

Render Artist – Người hoàn thiện

Nếu công việc của các bộ phận trước đó là các thao tác của người Artist trên máy tính thì render là công việc của máy tính để kết xuất file cuối cùng. Render Artist là người quản lý và điều phối toàn bộ quá trình này. Đây là bộ phần đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ekip làm phim 3D, vì mọi nỗ lực, công sức cũng như những vấn đề xảy ra trong quá trình làm việc của các bộ phận trước sẽ được phản ánh một cách chân thực sau khi qua tay đội ngũ render.

Tuy bộ phận này cần thao tác trên các máy tính có cấu hình mạnh mẽ, nhưng nếu bạn không sở hữu dàn máy “khủng” thì cũng chẳng sao. Bạn có thể đăng ký học tại các trường chuyên đào tạo 3D với dàn máy chuyên nghiệp phục vụ cho việc học tập như Học viện Kỹ xảo Điện ảnh và Hoạt hình MAAC để thỏa sức khám phá về mảng 3D Animation nói chung hay Render nói riêng.

Tạm kết

Một studio làm phim 3D là một cơ thể mà trong đó từng bộ phận không thể tách rời. Các vị trí được nêu trong bài viết đều đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của bộ phim hoạt hình. Mời các bạn cùng đón xem những bài viết thú vị và sinh động tiếp theo của loạt bài Từ điển chuyên ngành phim hoạt hình 3D do VFX-Animation.vn biên soạn.

Thúy Diễm