
Trò chuyện cùng Wētā FX – Phần 1: Đâu là thách thức khó nhằn nhất trong quá trình làm VFX cho Peacemaker?
Guy Williams và Mark Gee, hai giám chế kỹ xảo từ Wētā FX đã hé lộ nhiều chuyện hậu trường thú vị trong công cuộc sáng tạo Eagly trong series Peacemaker bằng CGI. Chú đại bàng này được “ưu ái” gọi là thách thức lớn nhất cho tổ kỹ xảo bởi việc tạo nên một chú chim như thật khó nhằn hơn tưởng tượng rất nhiều.
Lấy bối cảnh một thời gian ngắn sau khi những sự kiện trong The Suicide Squad kết thúc, series ngoại truyện Peacemaker khai thác câu chuyện riêng của gã siêu anh hùng “phiên bản lỗi” cùng tên. Bộ phim không chỉ thành công về mặt thương mại mà còn được đánh giá cao nhờ mang đến chiều sâu cho câu chuyện cuộc đời Peacemaker.
Song hành cùng cốt truyện thú vị là phần kỹ xảo ấn tượng, nhiều chỗ rất đẹp và lắm chỗ rất quái dị. Từ căn phòng lượng tử, loài bọ ngoài hành tinh đến đám bươm bướm, tất cả đều là sản phẩm của Wētā FX – studio 30 năm tuổi từ New Zealand, ghi dấu ấn trong hàng loạt dự án đình đám bao gồm Lord of the Ring và Avatar, được công nhận bằng nhiều giải Oscar lẫn BAFTA.
Gần đây, Animation News Network (AWN) đã có cuộc phỏng vấn với Guy Williams và Mark Gee, hai giám chế kỹ xảo từ Wētā FX về quá trình đội ngũ sáng tạo của studio góp phần vào thành công của Peacemaker. Chú đại bàng Eagly – thú cưng kiêm bạn đồng hành thân thiết của Peacemaker – nhận được sự quan tâm hơn cả. Đằng sau sự xuất hiện ấn tượng của chú chim này là cả một quá trình đầy thách thức bởi Eagly không phải một con vật đơn thuần, mà được xem như một nhân vật có tầm quan trọng nhất định với toàn loạt phim, do đó cũng đòi hỏi sự quan tâm tương xứng trong khâu sản xuất.
Trước tiên, hãy cùng nghe hai chuyên viên kỹ xảo chia sẻ về quá trình đội ngũ của Wētā FX tạo nên Eagly hoàn toàn bằng CGI để hiểu vì sao đưa chú đại bàng này lên màn ảnh rộng lại được xem là nhiệm vụ khó nhằn nhất của họ.
Peacemaker – series ngoại truyện của Suicide Squad đã tạo nên một cơn sốt trong năm nay (Nguồn ảnh: Animation News Network).
AWN: Eagly là một chú đại bàng đầu trọc trông quá mức chân thật. Các anh đã bắt đầu như thế nào và tham khảo từ đâu để tạo nên Eagly?
Guy William (GW): Thật ra, chỉ dẫn quan trọng nhất mà chúng tôi nhận được từ James [Gunn] là Eagly nhất định phải trông như thật. Không phải một một loài vật trông như con gấu trúc với thái độ cáu kỉnh, cũng chẳng phải một nhân vật có thể uống một tách cà phê sáng và nói chuyện với bạn trên bàn ăn. Eagly chỉ là một con chim đại bàng đầu trọc mà thôi. Nhưng, James cũng bảo, với tiền đề là nó phải trông như thật, đồng thời hãy tưởng tượng rằng nó là chú đại bàng thông minh nhất trong những con đại bàng đầu trọc trên hành tinh này. Nó sẽ là chú đại bàng sở hữu bộ não vượt qua ngưỡng IQ thông thường của một con chim, là bộ não thông minh nhất trong tất cả các loài chim. Như thế, đó là yêu cầu dành cho chúng tôi.
Nhóm hoạt hình chúng tôi đã làm việc với James để cố gắng tìm ra rốt cuộc điều đó có nghĩa là gì. Mọi người đã xem qua tất cả tài liệu tham khảo về những con chim trong tự nhiên. Và không chỉ loài đại bàng đầu trọc, một vài ý tưởng của chúng tôi còn đến từ những chú vẹt. Nhưng quan trọng là chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm những tư liệu tham khảo về cách mà đại bàng đầu trọc biểu hiện “cảm xúc”. Lần mà chúng tôi tiến gần nhất đến bước phá vỡ quy tắc (rằng biểu hiện của Eagly phải giống đại bàng thật) là ở cảnh xe hơi, lúc Eagly ló đầu qua cửa sổ. Có rất nhiều tranh luận tới lui về chuyện liệu trông nó có quá giống một chú chó không, và chúng tôi cũng đã thử tìm hiểu xem liệu đại bàng có lưỡi để ngúc ngoắc trong gió hay không nữa.
Tôi biết team mình đã có khoảng thời gian tuyệt vời. Điểm cuốn hút nằm ở chỗ cố gắng tìm ra cách khắc hoạ cảm xúc mà không quá phô trương cũng như không được xa rời khỏi những phản ứng có giới hạn của một con chim – nghĩa là làm sao để sắp đặt mọi thứ nhằm biểu đạt được cảm xúc mà không tạo cảm giác nó được nhân cách hoá.
Biểu cảm của Eagly được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo không quá “người” (Nguồn ảnh: Animation News Network).
Mark Gee (MG): Chúng tôi sẽ cho James xem thứ chúng tôi làm và anh ấy sẽ cười phá rồi rồi bảo “Ồ, chẳng phải sẽ rất tuyệt nếu chúng ta thử…”. Đó là chuyện đã xảy ra với con đại bàng và chiếc xe hơi, kết cục chúng trở thành những cảnh quay yêu thích nhất của James trong toàn loạt phim. Nhưng nhìn chung, trong quá trình chúng tôi tiến hành từng tập phim, tính cách của Eagly bắt đầu thành hình một cách tự nhiên. Các nghệ sĩ hình ảnh bắt đầu hoạt hình hoá nó, và họ tìm ra những đặc điểm tính cách nho nhỏ từ các nguồn tham khảo khác nhau để xây dựng cho Eagly. Cách mà tính cách của Eagly được phát triển theo thời gian thật sự rất thú vị.
GW: Có một điều tôi muốn bổ sung là thành công của Eagly đến từ sự hợp tác. Đúng vậy, chúng tôi là người đảm nhận phần đồ hoạ cho sinh vật này. Chúng tôi đã chắp cho nó đôi cánh, nhưng chú chim đại bàng Eagly có thể hạ cánh thuận lợi đến thế vào những khung hình là nhờ vào công sức kết hợp của đạo diễn, nhà sản xuất, và các diễn viên. Cái cách mà John Cena diễn như thể Eagly quả thật 100% đang hiện diện ở đó, với tư cách là bạn thân nhất và anh em của anh ấy. Chính sự chân thật trong màn nhập vai của các diễn viên đã giúp sự tồn tại của Eagly thành công rực rỡ.
Sự kết hợp của kỹ xảo chất lượng và diễn xuất nhập tâm của diễn viên đã giúp những phân cảnh của Eagly nhận phản hồi tích cực (Nguồn ảnh: Animation News Network).
AWN: Wētā đã thực hiện rất nhiều nhân vật kỹ thuật số phức tạp. Vậy với trường hợp của Eagly thì khó khăn nằm ở phần kỹ thuật hay chủ yếu chỉ là vấn đề biểu hiện?
GW: Từ ngày đầu tiên chúng tôi đã biết The Cow (“Con bò”) và Eagly sẽ là hai thách thức khó nhằn nhất. Nhưng The Cow chỉ xuất hiện trong hai tập phim, còn Eagly có mặt trong xuyên suốt bộ phim. Và Eagly không phải một con chim vô thưởng vô phạt chỉ để làm nền hay bay vòng quanh. Chúng tôi biết rằng mình cần phải hoàn thành Eagly đến một mức độ thật chất lượng, và về phương diện kỹ thuật việc này hẳn nhiên là một thử thách lớn.
Khi chúng tôi thực hiện những con đại bàng trong ba phần phim gốc Lord of the Rings, chúng tôi đã viết một phần mềm giúp phủ đều toàn bộ lông lên con chim. Phần mềm này khá quan trọng, nó được đặt tên là Pelt. Sau đó chúng tôi coi những chiếc lông như những hình đa giác vuông, về cơ bản, phần mềm xử lý từng chiếc lông vũ, đặt nó lên trên chiếc bên dưới, theo hướng ngược từ dưới lên theo đúng chiều xếp lớp của lông chim. Ta sẽ có được một chú chim với vẻ ngoài mượt mà, nhưng quá trình này cực kỳ chậm và chứa nhiều vấn đề. Và những chiếc lông vẫn bị đan xen lẫn nhau rất nhiều bởi vì chúng tôi chỉ tính đến hình dáng chung của chúng. Để khiến những chiếc lông có chiều sâu, chúng tôi chỉ áp dụng một shader (tức tập hợp các chỉ dẫn được thực thi cùng lúc cho từng điểm ảnh trên màn hình) lên bề mặt chúng rồi thêm các tính chất mô phỏng lông vũ lên trên. Phương pháp đó đã từng thành công, nhưng là không đủ với tiêu chuẩn ngày nay, nhất là trong các cảnh quay cận và xung quanh toàn là cảnh thật.
Thế nên, hiện nay, chúng tôi mô phỏng những chiếc lông vũ trong thực tế. Mỗi trục giữa là một đường cong, rồi mỗi lông tơ tẽ ra từ trục đó là một đường cong khác, có hàng trăm lông tơ như vậy trong mỗi chiếc lông. Và sau đó ta viết các file shader để mô phỏng những sợi lông nhỏ, rồi lại các sợi nhỏ hơn nữa. Nó như một hệ thống cây phân nhánh vậy. Nếu không hoàn thành được phần này sẽ không có được độ đổ bóng như mong muốn, và những chiếc lông trông sẽ chẳng giống lông thật.
Mỗi đường cong đều có độ trong suốt, như thể nó là một hình trụ mỏng và rỗng làm bằng acrylic – những chiếc lông chim trông cũng như thế. Sau đó là đến phần sắp đặt. Ở phiên bản con chim đầu tiên thực ra lông chỉ đơn giản được đặt trên bề mặt, chúng sẽ được đẩy bật ra khỏi bề mặt rồi chầm chậm khép xuống. Nhưng hiện nay những chiếc lông được sắp xếp để va chạm với nhau một cách hiệu quả thay vì làm theo quy trình xếp lớp đơn giản như trước. Việc này cho phép ta có những chiếc lông mượt mà trên bề mặt, nhưng khi chúng được xếp khắp bề mặt cong, ta thực ra sẽ thấy chúng như lăn tăn chuyển động vậy. Chúng tôi định hình lông chim dựa trên sự va chạm như thế.
Quá trình đưa Eagly lên màn ảnh hoàn toàn bằng CGI (Nguồn ảnh: Animation News Network).
Việc này nghe có vẻ khá dễ hiểu, nhưng ta đang nói về hàng ngàn chiếc lông, và chuyện không chỉ đơn giản là A va chạm với B, mà là A va chạm với B nhưng cũng đồng thời va chạm với C. Nó gần tương tự như mô phỏng chuyển động của nước vậy, ta phải di chuyển – nó không phải kiểu mô phỏng đơn giản, một cú ăn ngay. Và cuối cùng chúng tôi cũng đành chấp nhận du di một số yếu tố, bởi vì việc khiến nó trông hoàn toàn như thật vẫn là bất khả thi. Thật ra chúng tôi cũng đã có dự đoán trước. Từ khi đọc phân tích kịch bản mọi người đã biết việc thực hiện những con chim khó đến thế nào, rằng đây không phải kiểu nhiệm vụ mà bạn thảy nó cho bộ phận tiền sản xuất rồi nhận về một chú chim đẹp đẽ chỉ ít tuần sau đó. Chúng tôi biết rằng có một loạt vấn đề đòi hỏi sự tập trung cao độ mới có thể giải quyết hết.
GW: Cũng thật may mắn vì chúng tôi có Jason Geleon làm giám sát CG. Anh ấy cứ như một quả ngư lôi tự hành vậy. Chỉ cần “khai hoả”, Jason sẽ tập hợp tất cả các nhóm cần thiết lại, những buổi họp nối tiếp nhau, chậm rãi rà soát lại quá trình, rồi bảo “Vậy là chúng ta đã tìm ra vấn đề, tiếp theo ta phải giải quyết như thế nào?”. Kết quả là khi đến chặng cuối phim, Eagly đã trở thành một trong những phần việc dễ thở nhất. Có thể hoạt hình hoá, có thể bake (tức thêm các khung hình chính vào mọi khung hình), có thể render (tức kết xuất đồ hoạ – tạo ra hình ảnh hai chiều hoặc ba chiều từ một mô hình bằng các chương trình máy tính), thế là nhiệm vụ đã hoàn thành. Chúng tôi không cần phải cố sửa từng cảnh từng cảnh một nữa.
Thuy Le