vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >Industry Insight #1 – Đạo diễn Võ Thanh Hòa: Khán giả đi xem phim của tôi, còn tôi đi xem khán giả

Industry Insight #1 – Đạo diễn Võ Thanh Hòa: Khán giả đi xem phim của tôi, còn tôi đi xem khán giả

Thật khó có thể sắp xếp một buổi trò chuyện với đạo diễn Võ Thanh Hòa trong những ngày anh đang bận rộn với các hoạt động quảng bá cho bộ phim “Siêu lừa gặp siêu lầy”. Khác với những tác phẩm trước đó, đây được xem là đứa con tinh thần đầu tiên của Võ Thanh Hòa và 89s Group khi nó được sản xuất từ kịch bản gốc của 89s . Thu về con số doanh thu đáng nể hơn 120 tỷ đồng, bộ phim vẫn đang tiếp tục công chiếu tại các quốc gia khác. 

Xuất thân là một diễn viên triển vọng của màn ảnh Việt, bốn năm sau ngày ẵm giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai Điền trong “Cánh đồng bất tận”, Võ Thanh Hòa tái xuất công chúng ở cương vị đạo diễn cầm trịch nhiều bộ phim ăn khách như “Bệnh viện ma”, “Ông ngoại tuổi 30”, “Chìa khóa trăm tỷ”, “Chị Mười Ba – 3 ngày sinh tử” và mới nhất là “Siêu lừa gặp siêu lầy”, hiện tượng điện ảnh vừa “làm mưa làm gió” phòng vé Việt.

Hơn 120 tỷ đồng cùng những lời khen có cánh dành cho “đứa con tinh thần” của đạo diễn Võ Thanh Hòa, sự thành công của bộ phim không chỉ là kết quả xứng đáng cho một quá trình lao động nghệ thuật chân chính, mà còn chứng minh tài năng, niềm đam mê và sự bền bỉ có thể đưa họ đi xa đến đâu. 

Trước khi chào đón những bất ngờ tiếp theo từ vị đạo diễn này và ekip của anh, mời bạn cùng ngồi xuống với host Đinh Trí Dũng (Giám đốc Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC) để cùng trò chuyện với Đạo diễn Võ Thanh Hòa (Giám đốc nội dung của 89s Group), lắng nghe những trải lòng về hành trình theo đuổi nghiệp làm phim, về con đường lấy lại niềm tin từ khán giả Việt và cả những câu chuyện bây giờ mới kể của “Siêu lừa gặp siêu lầy”. 

 

1-industry-insight-1-dao-dien-vo-thanh-hoa

 

Anh nhớ mãi cuộc trò chuyện cách đây vài năm của chúng ta, lúc đó Võ Thanh Hòa từng nói về ý định xây dựng một nhóm làm phim chứ chưa hẳn là công ty. Theo dõi bạn ngần ấy năm, mỗi năm lại thấy bạn có thêm nhiều dự án mới. Và 2023, sự thành công của “Siêu lừa gặp siêu lầy” có thể nói là cú đột phá của cả Hòa lẫn 89s Group, điều đó khiến tôi thực sự rất vui. Chúc mừng các bạn với bộ phim đầu tiên của riêng mình. 

Cảm ơn anh.

Thành thật, Hòa có đặt mục tiêu về con số doanh thu cho bộ phim này không? 

Nếu nói không có thì là không đúng, vì đối với những bộ phim thương mại, việc tính toán các chỉ số rất quan trọng. Chúng em có đặt ra ba mốc mục tiêu doanh thu cho “Siêu lừa gặp siêu lầy” lần lượt là 60 tỷ, 80 tỷ và 100 tỷ. Con đường cán mốc 100 tỷ chông gai lắm anh ạ, chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết thôi, nhưng nói chuyện doanh thu đó vượt ngoài sức tưởng tượng thì không hẳn, bởi chúng em biết phim mình có thể đi được bao xa sau khi xem bản dựng nên mới dám đề ra mục tiêu chứ. 

Một điều đặc biệt nữa là “Siêu lừa gặp siêu lầy” ra rạp vào tháng 3 – Cái tháng mà người trong nghề hay nói vui là mùa rạp ế. Nếu như mọi người để ý chỉ số hàng tháng của phim rạp Việt Nam thì tháng 3 thường là tháng thấp điểm cho cả phim trong nước lẫn phim nước ngoài chiếu tại Việt Nam. Vậy nên phim vẫn đạt được những cột mốc doanh thu tốt là điều đặc biệt đối với bản thân em và cả công ty. 

2-industry-insight-1-dao-dien-vo-thanh-hoa

Hẳn là một quyết định can đảm khi dời lịch chiếu từ mùa cao điểm sang mùa thấp điểm. Đó có thể là rủi ro, nhưng cũng có thể là cơ hội đúng chứ? 

Đúng vậy. Trong nguy thì luôn có cơ.

Thị trường Tết sẽ mãi là một thị trường béo bở bởi hai lý do: khán giả được nghỉ nhiều ngày nên có thể ra rạp bất kỳ lúc nào họ muốn và giá vé mùa tết cao hơn 25% so với ngày bình thường. Có nghĩa để đạt được doanh thu 100 tỷ thì cần phải bán đâu đó một triệu hai trăm ngàn vé trở lên, trong khi tết chỉ cần bán chín trăm ngàn vé. Cho nên, để xác lập kỷ lục phòng vé thì tết luôn là khoảng thời gian tốt nhất. 

Thật ra, rất nhiều bạn bè và báo chí cũng thắc mắc tại sao lại dời lịch chiếu phim đến tận tháng 3 nên em cũng giải đáp luôn. Có hai nguyên nhân mà nguyên nhân lớn nhất khiến ekip bộ phim đi tới quyết định này là vì muốn mang đến một sản phẩm thật trọn vẹn. Nếu chọn thời điểm tốt về mặt thương mại mà chấp nhận bản phim chưa tốt thì nhà làm phim thực sự rất sai lầm. Đồng thời, nó cũng không xứng đáng với công sức của tập thể gần 500 người đã lao động miệt mài hơn nửa năm trời. Mục tiêu cuối cùng của nghệ thuật là phục vụ cho khán giả, vì vậy em không ngại hoãn lại miễn là mình có thời gian để hoàn thành thật tốt. 

3-industry-insight-1-dao-dien-vo-thanh-hoa

Nguyên nhân thứ hai, vì phiên bản dự định chiếu vào dịp tết khá dài nên phiên bản mới đã cắt gọn hơn. Phim dài chưa chắc đã hay đâu. Mình phải hiểu mức độ kiên nhẫn của khán giả có giới hạn. Cho nên khi khán giả đi xem phim của em thì em ngồi xem phản ứng khán giả. Cái nhạy cảm của đạo diễn nằm ở chỗ nhìn thấy người ta cười đoạn nào, khóc đoạn nào, phản ứng với diễn biến xảy ra trong bộ phim ra sao để biết họ thực sự thích và không thích cái gì.

Trải qua cả chục năm bôn ba, cuối cùng Hòa cũng có một bộ phim của riêng mình. Thử thách khi cùng một lúc đảm nhiệm nhiều vị trí trong đoàn phim như biên kịch, đạo diễn là gì? Và Hòa đã rút ra được những bài học gì từ những thử thách đó?

89s Group có một tôn chỉ đó là phải làm phim như những người làm phim thực thụ, đi theo con đường do chính mình tạo ra. 5 năm qua, để giữ được tinh thần đó, em và các cộng sự đã trải qua không biết bao nhiêu thử thách. 

Chúng em là tập hợp của những đứa không có tiền. Lúc mới thành lập công ty nghèo lắm, nằm tuốt dưới cái gara xe của đứa bạn ở quận 8, không có bất cứ cái gì trong tay, chỉ có một đam mê mãnh liệt với làm phim và phải làm chung với nhau mới chịu. Muốn thực hiện điều đó cả nhóm làm việc rất nhiều, kể cả những công việc mình không thích để có tiền đầu tư. Thời điểm ấy, chúng em đã đầu tư vào những thứ mà người ta cho là vô dụng bởi nó không tạo ra nguồn lợi nhuận hàng năm. 

Ví dụ từ 2019, chúng em đã bắt đầu xây dựng một kho kịch bản nhằm mục đích tạo ra những kịch bản mang phong cách riêng, theo đúng dòng phim mà công ty hướng tới. Mọi người cứ nói đi nói lại câu chuyện kịch bản là thứ yếu nhất trong phim Việt, vậy thì tại sao không đầu tư nó từ sớm? Dĩ nhiên, việc này có rất nhiều rủi ro, tại kịch bản không phải thứ đẻ ra tiền liền, trừ phi anh là một biên kịch nổi tiếng và anh bán được kịch bản đó. Còn khi anh làm thành kho cho công ty thì tiền sẽ đổ ngược vào trong. Mình bỏ nhiều thời gian công sức mà kịch bản vẫn nằm im trên giấy thì đó là áp lực lớn nhất đối với ban giám đốc. 

Nhưng mọi chuyện cũng dần ổn định, khi em lên dự án cho kịch bản “Siêu lừa gặp siêu lầy”, em biết đã đến lúc rồi. Chúng ta có những năm chứng kiến thị trường điện ảnh nước nhà bị kéo xuống đáy, đến nỗi mang các phim kém chất lượng, cất kho lâu năm ra chiếu đi chiếu lại. Giờ chính là thời điểm tuyệt vời để lấy lại lòng tin khán giả vào phim Việt bằng chính sản phẩm của mình.  

4-industry-insight-1-dao-dien-vo-thanh-hoa

Kêu gọi vốn cho bộ phim này cũng trở thành chuyện rất khó khăn, khó khăn hơn so với những năm kinh tế thị trường đang ổn định. Để tiết kiệm nhất có thể, gần như người trong 89s Group sẽ đảm nhiệm các vị trí chủ chốt. Cho nên toàn bộ thời gian làm phim thì công ty đóng cửa. Nói tập trung toàn lực là vậy chứ đến lúc chính thức vào dự án thì ekip vẫn phải thuê rất nhiều nhân sự từ bên ngoài. Khó khăn lớn nhất ở thời điểm đó là có những nhân sự bị lung lay tinh thần. Các bạn còn trẻ mà, được giao cho trọng trách lớn thì không khỏi áp lực vì sợ chưa đủ tầm, đủ kinh nghiệm. Em thì khác, em có một niềm tin vững chắc ngay từ đầu là với khả năng của những người xung quanh em thì chúng em có thể làm được một bộ phim tốt. Chưa nói nó xuất sắc hay phá vỡ kỷ lục này kia nhưng chắc chắn là một bộ phim tốt. Các bạn chỉ cần đặt tâm mình đúng chỗ thôi, tâm ở đâu thì tầm ở đó. Cuối cùng thì mọi thứ đều được đền đáp xứng đáng với những gì mọi người bỏ ra. 

Vẫn như mọi khi, bên cạnh Hòa luôn có sự kề vai sát cánh của vợ em. Nào, hãy nói một chút về Executive Producer Mai Bảo Ngọc trong bộ phim lần này nhé!

Ồ, sếp “nóc nhà” của em. 

Là giám đốc sản xuất của bộ phim, có rất nhiều áp lực mà Ngọc phải đối diện. Để đảm đương được vị trí ấy cần rất nhiều yếu tố, mà một trong số đó là có tâm và có tầm. Bởi giám đốc sản xuất không đơn giản chỉ tập hợp mọi người thành một ekip mà sẽ là người kinh doanh, xác định hướng đi cho bộ phim đó. Bên cạnh đó, cô ấy còn kiêm rất nhiều thứ khác, ví dụ như tham gia vào hoạt động Marketing, tạo dựng mối quan hệ với diễn viên, giúp họ duy trì trạng thái tốt nhất cả trước, trong và sau lúc quay phim, xin toàn bộ chi phí tài trợ cho bộ phim. Tài trợ ở đây không chỉ là tiền, mà còn là bối cảnh, quần áo, v.v… Em chắc chắn sẽ không bao giờ có thể cho ra một bản phim tốt như vậy nếu như không có các nguồn tài trợ ấy.

Vợ chồng em có con nhỏ, nên để sắp xếp thời gian, sức khỏe sao cho đảm bảo với cường độ áp lực cao là chuyện không hề đơn giản. Anh em ekip vất vả cả ngày buổi tối còn được nghỉ ngơi, nhưng chúng em trong vai trò đầu tàu không ngủ được, hai vợ chồng cứ miệt mài làm việc cả đêm. Không dưới ba lần em chứng kiến vợ mình chảy máu mũi, nhưng cô ấy không chịu về mà nhất quyết ở lại chiến đấu với mọi người cho tới giới hạn chịu đựng cuối cùng. Em phải gửi lời cảm ơn đến vợ mình vì việc Ngọc làm trong thời gian qua rất tuyệt vời. 

Bên cạnh đó, em cũng muốn gửi lời cảm ơn đến bé Sâm – con gái của hai vợ chồng. Vì bản thân bé cũng hy sinh rất nhiều trong khoảng bốn – năm tháng trời ba mẹ vắng nhà. Có khi cả tuần lễ chúng em mới được gặp con một lần. Cho tới những ngày cuối cùng phim chiếu thì bé mới hỏi rằng giờ ba mẹ bận lắm hả, ba mẹ bận hơn hồi trước hả. Tới lúc đó em mới nhận ra bản thân con gái mình rất nghe lời và hiểu chuyện. 

Anh rất tò mò về những kỉ niệm đáng nhớ trong quá trình Hòa và đội ngũ thực hiện bộ phim này?   

Kỷ niệm thì vô số kể anh ạ. Bộ phim này được quay ở nhiều địa điểm khác nhau: Phú Quốc, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Thái Lan. Mỗi địa điểm lại có một đặc trưng và khó khăn khác nhau nhưng kỷ niệm khiến em nhớ nhất là khi quay những cảnh gần cuối ở Ninh Thuận. Nơi đây rất đẹp, phù hợp với tất cả mọi yêu cầu về mặt bối cảnh nhưng để hoàn thành được hai cảnh quay, một là nhảy từ trên vách đá xuống và hai là ngồi bên bờ biển nói chuyện thì không hề đơn giản. Địa hình hiểm trở, xe tải không thể tiến sâu vào bên trong bờ đá nên tất cả anh em đã xuống và khiêng 6 – 7 tấn trang thiết bị. Thêm một cái nữa là ở Ninh Thuận gió rất to, thu âm cực kỳ khó, mà mang về lồng tiếng thì lại không hay. Rồi mình còn phải để ý đến kỹ xảo, yếu tố hành động và đảm bảo sự an toàn cho diễn viên nữa… Vô vàn yêu cầu khi mình làm phim chuyên nghiệp. 

Một ngày quay hai cảnh, nghe thì có vẻ dư dả thời gian nhưng đâu đơn giản như vậy. Cái lúc em xin bên sản xuất cho ở thêm hai ngày ở Ninh Thuận thì thực sự mọi người quá khó chịu với em luôn. Phim thì quay ở Phú Quốc, giờ còn đòi cảnh trên Ninh Thuận, mình xài nhiều tiền quá rồi! Vậy là em mới chơi chiêu dẫn bạn điều hành sản xuất leo lên cái dốc cao rồi kiếm bãi biển gần đó để quay nốt. Em nhớ như in hai đứa đi tay không mà lặn lội từ 11 giờ trưa tới 1 giờ chiều mới tới nơi. Thấy chưa, hai thanh niên khỏe mạnh mà còn thở không ra hơi thì thử hỏi bằng cách nào có thể di chuyển máy móc, con người xuống cho kịp. Vậy là bạn tổ chức sản xuất mới bảo “Thôi, để tui về tui làm cái đề xuất hai ngày.” Đó là lý do phim có một cảnh trên bờ vực khán giả rất thích và cảnh bốn người nói chuyện trên bãi biển rất đẹp. 

Trailer phim “Siêu Lừa Gặp Siêu Lầy”

Sau khi trở về, mọi người lại đòi cắt phân cảnh ở Thái Lan. Em chờ tới đoạn tâm lý mọi người dịu lại là xông vào thuyết phục liền. Vì rằng nó không chỉ có ích cho nội dung bộ phim mà còn tốt cho cả phần marketing phim. Kết quả là hiệu ứng truyền thông về bộ phim đã bùng nổ sau hai tuần công chiếu, khiến khán giả mong chờ đến phần tiếp theo. Bây giờ ngồi kể lại thấy vui nhưng thực sự lúc làm việc rất áp lực vì cần cân đối liên tục giữa thời gian, sức lực và tiền bạc. Ở góc độ đạo diễn, em phải luôn đảm bảo với ekip là sự đầu tư này hoàn toàn xứng đáng. 

Tóm lại, mọi người phải đi làm phim thì mọi người mới thấy để có kinh nghiệm, tầm nhìn tính toán các phần logistics sao cho hợp lý khó khăn lắm. Logistics càng thiếu khoa học bao nhiêu thì năng suất làm nghệ thuật càng thấp bấy nhiêu. Để có sản phẩm nghệ thuật tốt thì thời gian lao động nghệ thuật phải đủ.  

 

5-industry-insight-1-dao-dien-vo-thanh-hoa

 

Hòa có đánh giá gì về ngành điện ảnh Việt Nam trong năm nay và một vài năm tới không?

Ở góc độ của em thì bắt đầu có sự phân khúc rõ rệt. Khán giả bây giờ biết chọn phim mà xem, họ thà ở nhà xem Netflix hoặc ra rạp xem phim nước ngoài chứ không tội gì mất thời gian với những bộ phim kém chất lượng. Vì vậy, nếu phim bạn có chất lượng tốt thì kết quả thu lại sẽ rất khả quan. Đừng biện minh rằng nền kinh tế đang biến động, vì đa số mọi người đều có khả năng chi trả cho một chiếc vé xem phim mà. Thị trường rõ ràng vẫn còn đó, quan trọng là nhà làm phim khai thác chúng như thế nào thôi. 

Gặp gỡ Đạo diễn Võ Thanh Hòa – Phần 1: Khám phá sự thành công của “Siêu lừa gặp siêu lầy”

Liệu khán giả Việt có vì một sở thích nào đó mà bỏ lỡ một thể loại phim cụ thể không? Ví dụ như Thanh Sói mặc dù rất đầu tư VFX nhưng khán giả vẫn quay lưng. Và đâu là yếu tố cốt lõi để khiến phim Điện ảnh Việt thành công?

Yếu tố cốt lõi của một bộ phim thành công theo em vẫn phải xuất phát từ một nội dung tốt. Phim như thế nào được xem là tốt? Là nó phải mang lại cảm xúc cho khán giả. Ví dụ phim hài phải buồn cười, phim ma phải đáng sợ, phim hành động thì phải kích thích… Vấn đề là bạn chọn thể loại gì cần tập trung làm cho tới nơi tới chốn. 

Theo như em biết, Thanh Sói có chi phí đầu tư lên tới 3 triệu đô. Đó là một con số cực kỳ khủng ở thị trường làm phim tại Việt Nam. Nó được chiếu trên Netflix Global, mà để lên được đó thì phải đạt một tiêu chuẩn thực sự xịn. Chả có gì để chê về chất lượng âm thanh, hình ảnh của bộ phim này. Vấn đề có lẽ nằm ở sự kết nối giữa bộ phim và khán giả (Việt Nam)  chưa được tốt lắm. Lý do có thể tới từ cách truyền thông, marketing hoặc nội dung bộ phim chưa thực sự chạm đến người xem. 

Người trong nghề như chúng em thường dùng thuật ngữ “Word of mouth” để nói về phản ứng của công chúng sau khi xem hết một bộ phim. Có những bộ phim người ta sẽ khen, có những bộ phim người ta sẽ chê. Hai thái cực này hoàn toàn trái ngược nhau nhưng ít nhất điều đó giúp tin tức về bộ phim của anh vẫn được lan tỏa. Còn một trường hợp nữa là người ta không bàn luận gì. Thanh Sói thuộc trường hợp này, mặc dù người trong nghề bàn luận rất nhiều nhưng khán giả thì ngược lại. Bên cạnh đó, thời điểm ra mắt Thanh Sói trùng với lúc Avatar 2 đang làm mưa làm gió. Hiển nhiên bộ phim nào thu về nhiều lợi nhuận hơn thì các rạp sẽ ưu tiên sắp suất chiếu cho nó. 

Em nghĩ bản phim Thanh Sói đã bị cắt khá nhiều, làm mất đi cái hay của phim, khiến nó chưa thực sự lay động được khán giả. Nó khác với Hai Phượng – Một bộ phim khác của chị Ngô Thanh Vân. Tác phẩm có nội dung đơn giản với hành trình phát triển nhân vật đi từ zero đến hero rất rõ ràng. 

Đó là quan điểm cá nhân của em thôi, còn em không đánh giá về chất lượng phim Thanh Sói. Bản thân em thực sự kính trọng và khâm phục đội ngũ làm ra bộ phim đó. Cả đời em chắc không bao giờ làm được những phim hành động nặng đô như vậy. 

Chúng ta không thể phủ nhận sức nóng của các bộ phim Hàn Quốc trên Netflix. Liệu Hòa có nhìn thấy con đường nào Netflix Original xuất hiện ở Việt Nam không? 

Có chứ, tương lai chắc chắn có. Nhưng mà mọi người phải hiểu rằng, cả trước khi có sự nhúng tay của Netflix thì nền tảng truyền hình Hàn Quốc đã là một trong những nền tảng truyền hình số 1 Châu Á rồi. Các đài truyền hình ở Hàn Quốc tính rating (một đơn vị mà ngành phim ảnh dùng để đo sự quan tâm của khán giả đối với bộ phim hoặc chương trình nào đó) rất xịn. Nếu bạn để ý sẽ nhận ra, các bộ phim lớn của quốc gia này đều kết hợp với đài truyền hình, giúp chúng chạm đến nhiều người xem hơn. Chưa hết, công chúng tiêu thụ các sản phẩm văn hóa ở Hàn Quốc rất đông. Họ sẵn sàng chi tiền cho điều đó. Bản thân môi trường giải trí Hàn Quốc đã quá màu mỡ, khi Netflix tiến vào, cái Netflix làm tốt nhất là đầu tư và đem ra thế giới. 

Đồng thời, chúng ta cần phải thẳng thắn rằng, nền tảng truyền hình ở Việt Nam chưa tốt, đó là lý do mà sẽ còn rất lâu nữa, Netflix mới có thể chạm được cái gọi là Original Series ở Việt Nam. 

Hòa có chia sẻ là Siêu lừa gặp siêu lầy đã bắt đầu công chiếu ở New Zealand và Úc, làm cách nào để phim sang được nước bạn? 

Thực tế phim của Việt Nam có thể công chiếu ở nhiều nước chứ không chỉ ở Úc hay New Zealand đâu. Em còn đang ấp ủ đưa bộ phim này tới những nơi xa có, gần có như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, thậm chí là Trung Quốc. Nhưng trước hết mình phải biết bộ phim của mình sẽ phù hợp với khán giả ở đâu, vì mỗi nước lại có một cái gu thưởng thức nghệ thuật khác nhau. Mọi người hay hỏi cầm phim đi như vậy thì nguy cơ lỗ cao không? Cao chứ. Phim chiếu ở nước ngoài sẽ tốn phí phát hành, phí Marketing, bán được ít vé cũng lỗ. Cho nên đều có cách tiếp cận riêng ở từng thị trường. Thông thường sẽ có một đội ngũ Agency nước ngoài hỗ trợ, còn không thì mình có thể tự liên hệ để đem phim đi. 

7-industry-insight-1-dao-dien-vo-thanh-hoa

Mặc dù có nguy cơ lỗ nhưng đó cũng là một cách hay để các nhà làm phim Việt tăng doanh số?

Đúng, thị trường đó có thể chưa tốt bây giờ, nhưng không thể nói là không có tương lai. Nhà làm phim đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài chưa chắc kiếm được nhiều tiền, nhưng chúng em muốn chứng minh sự hiện diện của mình và để khán giả biết là ở đó có sự xuất hiện của phim Việt Nam. Trong dịp có cơ hội trò chuyện với một đàn anh đang làm về mảng phát hành phim ở Mỹ, anh ấy chia sẻ rằng thị trường đang mở rộng ra rất nhiều. Nếu trước đây anh chỉ xin được suất chiếu cho phim Việt ở 5 cái rạp bé xíu thì giờ chúng ta đã vào có mặt ở các hệ thống rạp lớn. Các chương trình ưu đãi, phục vụ dành cho một bộ phim hạng A của Mỹ như thế nào thì phim Việt cũng y như vậy. Phim mình mà bán vé được thì họ sẽ giữ suất, không thì loại ra, cạnh tranh bình đẳng nhưng cũng khốc liệt. 

Chưa hết, các ứng dụng OTT cũng đang ngày càng vươn lên. Ở Việt Nam có thể kể đến Galaxy Play, VieOn, FPT Play,… Một thị trường đầy tiềm năng, vấn đề là những nhà làm phim phải biết làm cách nào để tiếp cận với thị trường đó mới giúp tác phẩm của mình đi xa được. 

8-industry-insight-1-dao-dien-vo-thanh-hoa

Anh từng nghe Hòa nói em là người vui vẻ nên thích làm phim vui vẻ? 

Dạ đúng, bản chất em là người tích cực. Năng lượng trong mình như thế nào thì bộ phim của mình sẽ như thế đó. Kể cả sau này, nếu em có làm những bộ phim bi lụy thì nhân vật cũng sẽ không suốt ngày đau buồn khổ sở đâu, họ sẽ có muôn mặt cảm xúc, đang cười đó mà cũng khóc ngay được. 

Tên tuổi của Võ Thanh Hòa luôn gắn liền với phim hài hành động, liệu Hòa có muốn thử sức với các thể loại mới không?

Thể loại em muốn thử sức thì nhiều lắm. Anh biết mà, em đã từng làm rất nhiều thứ nhưng hài hành động vẫn là dòng phim em làm tốt nhất hiện tại. Thứ mình làm tốt thì không có chuyện gì phải thay đổi nó quá nhiều. Em vẫn sẽ tiếp tục, đồng thời rẽ hướng sang nhiều con đường khác chứ không chỉ loanh quanh trong phạm vị đó. 

Em đang ấp ủ hai dòng phim mới, nhưng em xin phép chưa thể tiết lộ ngay bây giờ. Em là kiểu làm rồi mới nói chứ ít khi nào chịu bật mí trước lắm. Tại khi mình nói ra thì em có cảm giác mình không thể tập trung làm cho tốt được. Cách làm phim của em cũng vậy, khi mọi thứ đã thành hình thì mọi người mới biết thông tin về nó. Em luôn thích tập trung năng lượng, sức lực, tiền bạc vào sản phẩm rồi sau đó mới tiến tới các bước tiếp theo. 

Về cá nhân Hòa, em vẫn muốn là đạo diễn hay có muốn thử sức ở một vị trí mới trong đoàn phim không?

Thật ra vị trí em yêu thích nhất là đạo diễn nhưng vị trí mà em muốn làm nhiều nhất trong tương lai là tổ chức sản xuất. Mình không thể cáng đáng hết được mọi thứ, trong khi ngoài kia có rất nhiều bạn trẻ tài năng. 89s Group luôn muốn làm việc với Gen Z, bởi họ mang trong mình nguồn năng lượng mới, tầm nhìn mới, văn hóa mới. Thế hệ của em và các bạn chỉ cách nhau chưa tới mười năm, nhưng thực sự giờ bảo em đi tìm hiểu về Gen Z thì quả thật em không hiểu nổi đâu. Chính vì vậy, em mong muốn làm sao có thể tạo điều kiện, đầu tư cơ hội để các bạn ấy thể hiện tài năng, cùng nhau hợp tác và phát triển.

 

9-industry-insight-1-dao-dien-vo-thanh-hoa

 

Hiện nay học viên MAAC đang làm việc rất nhiều tại các Studio hậu kỳ lớn và kỹ xảo Việt cũng góp phần rất lớn vào các dự án Quốc tế. Thế nhưng mà sự công nhận dành riêng cho các Artist Việt còn khá khiêm tốn. Hòa có công nhận điều này không và những lý do nào dẫn đến điều này?

Trong cái nghề làm phim này, người được công chúng biết đến nhiều nhất không ai khác chính là diễn viên, còn đội ngũ đứng phía sau ống kính quả thực hiếm ai tỏ tường. Các bạn Artist còn làm việc sau máy tính thì chắc chắn rất khó để khán giả nhớ tên, trừ phi họ chú ý đến phần credit cuối phim. 

Ví dụ như bộ phim “Siêu lừa gặp siêu lầy” nhìn nội dung bình thường như vậy thì theo anh có bao nhiêu shot kỹ xảo trong đó? 

Anh đoán là 30 shot?

Tổng cộng là 227 shot kỹ xảo. Về cơ bản khán giả sẽ không biết được phân cảnh nào có sự nhúng tay của kỹ xảo điện ảnh, mà mọi người không biết thì em lại càng phải gửi lời cảm ơn chân thành đến team VFX, trong đó có cựu binh của CYCLO Studio vì đã hợp tác để làm ra một dự án tốt như vậy. Với em thì họ chính là những chiến binh thầm lặng trong nghề này. 

Em phải công nhận các bạn trẻ đang theo đuổi ngành này có tay nghề ngày càng cao. Chất lượng công việc của họ được phản ánh qua sự chuyên nghiệp trong từng khâu nhỏ nhất, từ concept, art, visual, light… Thẳng thắn mà nói, tới những phân cảnh cần làm VFX, nếu có một bạn Supervisor xịn ngồi bên cạnh thì chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc để đạo diễn tự lần mò. Bởi các bạn biết cách chỉnh góc máy làm sao mà khi đưa vào làm kỹ xảo có thể cho ra hình ảnh đẹp nhất, chân thực nhất. 

Em nghĩ, thời đại dành cho VFX Artist đang đến khi các dòng phim về khoa học viễn tưởng, siêu anh hùng, kỳ ảo, hoạt họa đang rất được khán giả ưa chuộng.

Hòa có thể kể một vài phim Việt mà Hòa cảm thấy ấn tượng về Kỹ xảo điện ảnh không?

Những bộ phim Việt mà em cảm thấy ấn tượng về mặt kỹ xảo điện ảnh là của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, có thể kể đến như: Trạng Tí, Cô gái đến từ hôm qua, Em và Trịnh. Chỉ một đạo diễn cực kỳ chi tiết, cầu kỳ, kỹ càng mới có thể tạo ra các sản phẩm chất lượng như vậy về mặt VFX. 

Một trong những điều anh rất thích ở Hòa và 89s Group đó là sự quan tâm để phát triển tài năng trẻ. Hòa đánh giá như thế nào về chất lượng của nhân sự Việt Nam khi tham gia vào các dự án điện ảnh?

Em nghĩ thế hệ làm phim tiếp theo của nước ta sẽ càng ngày càng giỏi, bởi chiều hướng phát triển của người Việt là đi lên, em luôn tự hào về điều đó. Lúc em mới bắt đầu manh nha làm phim, làm gì có ekip nào đạt số lượng 100 người, vậy mà bây giờ em đang điều hành một đoàn làm phim hơn 150 người. Hậu kỳ ngày xưa quay băng Beta sau đó phải đưa vào phần mềm chạy cho ra file digital, rồi từ digital mới cắt dựng. Còn hiện tại thì sao? Chúng em đang áp dụng quy trình offline on set, nghĩa là trong lúc quay phim thì có một đội dựng ngồi kế bên để cho ra bản xem thử luôn. 

Vấn đề nằm ở chỗ, khi bạn giỏi thì nghề nghiệp lại càng có những tiêu chuẩn cao hơn. Em không thể cam đoan rằng bất kỳ ai bước vào môi trường này cũng sẽ đạt đến đỉnh cao danh vọng nhưng có một điều em chắc chắn, đó là bạn hoàn toàn có thể sống được với ngành này. Vì sao ư? Vì đây là một mảnh đất rộng lớn và trù phú, nơi luôn có sẵn cơ hội để bạn thử sức ở các khía cạnh khác nhau hòng tìm thấy thế mạnh trong bản thân mình. Còn chuyện bạn đi được tới đâu thì nằm ở sự kiên trì nỗ lực của chính bạn. 

Thế hệ trẻ sẽ thay đổi nền điện ảnh nước nhà. Nên em chỉ mong có thêm những ngôi trường uy tín để đào tạo ra một thế hệ có tầm nhìn. 

Nếu như không có nguồn vốn mạnh thì đâu là bí quyết tối ưu hóa mọi chi phí trong suốt quá trình làm phim?

Có rất nhiều cách để tối ưu hóa chi phí trong quá trình làm phim. Em có tổ chức một Workshop về làm phim 0 đồng. Phim 0 đồng ở đây không phải là thể loại phim rẻ tiền nhé. Ý nghĩa của nó là biết cách tận dụng nhiều nhất có thể tài nguyên của bản thân. Tài nguyên lớn nhất của tuổi trẻ là gì? – Thời gian. Rất nhiều nhà làm phim nổi tiếng thế giới đã bắt đầu sự nghiệp từ những bộ phim tốn thời gian như vậy. Một vị đạo diễn em thần tượng ngày xưa từng mời bạn bè của mình vào vai các nhân vật trong phim. Cơm của đoàn là do mẹ ông ấy nấu. Máy móc thiết bị đi mượn. Từng cuộn phim được mua bằng tiền tiết kiệm. Kinh phí được trang trải bằng thù lao ông đi làm thêm cho một hãng thu âm. Kết quả bộ phim đó đoạt giải và vị đạo diễn ấy đã trở nên nổi tiếng. 

Em nhận ra, điều các bạn trẻ yếu nhất là các mối quan hệ giúp họ phát triển tốt. Nếu thiếu một cộng đồng – nơi tập hợp những người cùng chung lý tưởng thì sẽ rất khó tiến bộ. Đó là lý do em vẫn thường xuyên theo dõi, quan sát, hỗ trợ các hội nhóm làm phim nghiệp dư. Mọi người cứ nghĩ đạo diễn Võ Thanh Hòa chắc chỉ chọn tham gia những sự kiện hay cuộc thi lớn, nhưng không phải vậy đâu. Em thậm chí còn làm giám khảo cho những cuộc thi làm phim của các trường cấp 3. Các bạn ngây ngô lắm, nhưng chính những bước đi đầu tiên đó mới tạo ra sự tự tin, dám nghĩ, dám làm. 

Em vẫn hay nói với các bạn học viên của mình là cầm camera lên và làm gì với nó đi. Đó là cách chúng ta bắt đầu làm phim đấy. Trước khi mình cho ra kết quả thì trước tiên phải khao khát thực hiện nó đã. 

10-industry-insight-1-dao-dien-vo-thanh-hoa

 

11-industry-insight-1-dao-dien-vo-thanh-hoa

 

Sau những thử thách cũng như thành công mà Hòa đã đạt được, Hòa có điều gì muốn nói với các bạn để tạo động lực cho thế hệ trẻ không?

Dạo gần đây em có đọc một cuốn sách, trong đó có một câu em rất thích, đại ý thế này: Khi mình học cấp ba, mình sẽ hoài niệm những chuyện ở cấp hai. Khi mình học đại học, mình lại thấy những chuyện tốt đẹp chỉ nằm ở cấp ba. Và khi đi làm rồi mình mới thấy làm con nít vẫn là sướng nhất. Nhưng đúc kết lại, cuốn sách viết: Khi về già rồi mình sẽ không hối hận về những chuyện mình đã làm mà hối hận về những chuyện mình không được làm. 

Với những bạn đang yêu thích và muốn làm việc trong nghề này thì hãy làm đi, cứ lao vào đi, các bạn còn trẻ mà, có con đường nào chắc chắn rằng đi trên đó sẽ thành công đâu, chỉ có hợp hay không hợp, mà muốn biết được điều đó thì phải xông pha. Chắc chắn khi thực hiện được rồi các bạn sẽ không hối hận vì đã bỏ thời gian, công sức, tiền bạc đầu tư cho nó, mà chỉ hối hận vì thích nhưng không dám thôi. Em thấy điều này vô cùng quan trong trong cuộc đời mỗi con người. 

Với các bạn đang học tập trong lĩnh vực này thì sao? Các bạn phải bắt đầu tính tới những con đường chuyên nghiệp hơn và rõ ràng hơn cho sự nghiệp của mình. Khi tìm kiếm tài năng trẻ để cùng hợp tác, em luôn đề cao những bạn có năm bộ phim hơn là năm tấm bằng. Phim hay cũng được, phim dở cũng chẳng sao, miễn làm các bạn phải va chạm và có sản phẩm cho riêng mình để chứng minh bản thân làm được điều gì? Nhưng xin đừng hiểu nhầm là Hòa coi nhẹ bằng cấp nhé. Vĩ dĩ nhiên khi được học kiến thức bài bản bạn sẽ có nền tảng vững chắc hơn. Điều em muốn nhấn mạnh ở đây là thực chiến. Các bạn phải đi làm phim mới biết chắc chắn nghề làm phim là như thế nào. 

Nói nãy giờ, em nhận ra em là kiểu người hay đi xúi người ta làm này làm kia anh ạ. Nhưng mà may sao xúi xong thì rất nhiều bạn trẻ xung quanh em thành công. Cơ hội tốt chỉ tới khi mình thực sự cố gắng. Hy vọng sớm thôi Hòa và các bạn sẽ trở thành đồng nghiệp của nhau. 

Cuối cùng, mong rằng các bạn trẻ sẽ thật nghiêm túc với việc học, cũng như với các dự định trong tương lai của mình. Trong hành trình làm nghề, Hòa gặp rất nhiều người nhưng trong đó, người thành công nhờ tài năng thì lại ít. Số còn lại và cũng chiếm đa số, đó là những người thành công nhờ sự quyết liệt và thái độ làm nghề của họ. Chính vì vậy, các bạn cần rèn luyện cách hành xử, thái độ, cũng như luôn giữ vững lòng quyết tâm theo đuổi nghề đến cùng, vì chắc chắn rằng đó sẽ là điều giúp các bạn thành công trong tương lai.

Gặp gỡ Đạo diễn Võ Thanh Hòa – Phần 2: Khán giả bây giờ, họ biết chọn phim để xem

Chúng ta đã có một buổi trò chuyện thú vị với đạo diễn Võ Thanh Hòa. Rất cảm ơn em vì đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này. Chúc Hòa có nhiều sức khỏe và giúp anh gửi lời chào đến các thành viên của  89s Group nhé. Chờ đợi những thành công tiếp theo của các bạn. 

Phỏng vấn: Đinh Trí Dũng

Bài viết: Giang Hoàng

Thiết kế: Olianji

Industry Insight là chuỗi Talkshow chuyên môn đặc biệt do VFX Animation Việt Nam xây dựng. Trong mỗi tập, chúng ta sẽ được gặp gỡ, trò chuyện với một khách mời đang làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo và rất thành công trong lĩnh vực của mình. Thông qua những góc nhìn mới mẻ, bạn sẽ tìm thấy nhiều hơn một câu trả lời cho cùng một chủ đề, đó có thể là hành trình trở thành một đạo diễn, con đường chinh phục vị trí VFX Artist, hoặc cũng có thể là quá trình khám phá bản thân trong thế giới 3D Animation.