vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức >Game Localization: “Đại sứ văn hóa” trong ngành công nghiệp Games

Game Localization: “Đại sứ văn hóa” trong ngành công nghiệp Games

Trò chơi điện tử đã và đang trở thành công cụ giải trí của hàng triệu người khắp thế giới. Nhu cầu mở rộng thị trường, tăng cường trải nghiệm cá nhân và thu hút người chơi từ nhiều quốc gia đã góp phần đưa công tác bản địa hóa trò chơi (Game Localization) trở nên quan trọng trong quy trình phát triển Game. Trong bài viết dưới đây, Vietnam VFX-Animation sẽ đưa bạn tìm hiểu rõ hơn về vai trò và sự đóng góp của Game Localization trong thành công của một trò chơi điện tử.

Bản địa hóa trò chơi (Game Localization) là gì?

Bản địa hóa trò chơi (Game Localization) là vị trí ít được biết đến trong quá trình phát triển game nhưng có thể quyết định sự thành bại của sản phẩm khi phát hành. Hiểu đơn giản, đây là công việc dịch thuật, chỉnh sửa văn bản, ngữ điệu sao cho phù hợp với đặc điểm văn hóa của từng quốc gia. “Nhờ vào quá trình bản địa hóa, người chơi từ các quốc gia khác nhau có thể dễ dàng hiểu rõ nhiệm vụ và nhanh chóng hòa mình vào câu chuyện trong game.” – chia sẻ từ nhà bản địa hóa trò chơi Kieran Brewer của NC West. 

Tìm hiểu bài phỏng vấn đầy đủ của Kieran Brewer tại đây

Nhà bản địa hóa trò chơi Kieran Brewer, NC West (Ảnh: NCSOFT)

Trên thực tế, thuật ngữ bản địa hóa trò chơi (Game Localization) thường bị nhầm lẫn với dịch thuật (Translation). Tuy nhiên, đây là khái niệm hàm chứa trách nhiệm công việc lớn hơn nhiều so với dịch thuật, Game Localization hướng đến quy trình hóa toàn diện mọi yếu tố của trò chơi, đi sâu vào văn hóa từng thị trường mục tiêu và nỗ lực sáng tạo để cho ra đời tựa game dễ hiểu, hấp dẫn, cộng hưởng hài hòa yếu tố cảm xúc người chơi và tính khả thi trên phương diện thương mại.

Ảnh: statusko.ua

Điển hình, tựa game đình đám thế giới World of Warcraft khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, các nhà phát triển đã cẩn thận điều chỉnh hình ảnh, bối cảnh trò chơi phù hợp với văn hóa địa phương. Forsaken – một nhóm chủng tộc xác sống thông minh xuất hiện trong Warcraft sở hữu hình dáng tương tự những bộ xương và nhìn thấy cả đầu lâu. 

Tuy nhiên, khi làm việc với nhà phát hành game Trung Quốc, Blizzard đã quyết định xóa bỏ mọi chi tiết liên quan đến bộ xương và đầu lâu vì hình ảnh mang tính chất xui xẻo trong văn hóa Trung Quốc. Đây là minh chứng sống động cho thấy Game Localization không chỉ là công việc dịch thuật văn bản mà còn liên quan đến yếu tố hình ảnh, lối chơi và văn hóa của từng quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tựa game World of Warcraft được bản địa hóa về mặt hình ảnh khi thâm nhập thị trường Trung Quốc (Ảnh: Out of Cards) 

Tại sao cần bản địa hóa trò chơi?

Khi phát triển tựa game, đây không chỉ là một sản phẩm mà còn có thể trở thành hiện tượng văn hóa, một cách thức thay đổi lối sống và phương thức giải trí của số đông. Do đó, công tác bản địa hóa trò chơi đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận thị trường, gia tăng trải nghiệm và tính tương tác của người dùng đến từ nhiều vùng văn hóa, lãnh thổ. Hãy cùng tìm hiểu một số lý do tại sao bản địa hóa trò chơi trở nên cần thiết đến thế? 

Game Localization góp phần tăng cường trải nghiệm cá nhân hóa của người chơi

Phiên bản game được bản địa hóa phù hợp với ngôn ngữ quốc gia sở tại, xuất hiện các chi tiết phù hợp văn hóa địa phương sẽ kích thích và gây ấn tượng với người chơi nhiều hơn. Game Localization cho phép người chơi tham gia vào cuộc đối thoại và đắm mình vào thế giới của riêng họ. Bên cạnh đó, khi ngôn ngữ được sử dụng hoàn toàn thân thuộc với người chơi, sự cố về nhầm lẫn cốt truyện hay các nguyên tắc trò chơi sẽ ít xuất hiện. Điều này giúp tăng cường trải nghiệm của người chơi; đồng thời, trở thành cách thức hiệu quả để các nhà phát triển game tạo dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp cùng hệ sinh thái người dùng.

Ảnh: iGameNews 

Lỗi dịch thuật trong công tác bản địa hóa tựa game Call of Duty: Modern Warfare 2 là ví dụ kinh điển cho thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ tác động lớn đến trải nghiệm người chơi. Theo đó, phiên bản tiếng Nga của tựa game được phát hành có lời thoại mang ý nghĩa “Remember, no Russian” nhưng khi dịch sang phiên bản tiếng Nhật đã thay đổi ý nghĩa và trở thành “Kill them. They’re Russian”. Điều này khiến công ty phải phát hành phiên bản làm lại của trò chơi nhằm sửa lỗi dịch thuật; đồng thời, nhà phát triển cũng đánh mất lợi nhuận khi Sony tại Nga quyết định không phát hành tựa game trong cửa hàng PlayStation.

Mở rộng thị trường kinh doanh và phát triển trò chơi

Thực tế, hầu hết các quốc gia phương Tây đều phát triển trò chơi bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, trong số khoảng 7,8 tỷ người trên thế giới, người nói tiếng Anh chiếm 1,35 tỷ người và chỉ có 360 triệu người trong số họ là người nói tiếng anh bản ngữ. Điều này đồng nghĩa với việc khi sử dụng phiên bản tiếng Anh của một tựa game, người dùng không phải là người bản ngữ sẽ gặp khó khăn trong trải nghiệm trò chơi. 

Top 10 thị trường Games lớn nhất thế giới năm 2021 (Nguồn: Newzoo)

Đáng chú ý, hầu hết các quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng top 10 thị trường Gaming hàng đầu thế giới năm 2021 là những đất nước không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức. Trong đó, Trung Quốc chiếm lĩnh vị trí số 1 với 685,48 triệu người chơi, vượt xa Hoa Kỳ xếp vị trí thứ 2 với 191,12 triệu người. Đặc biệt, các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chễm chệ vị trí trong top 5. Với tiềm năng to lớn từ những thị trường này, việc bản địa hóa trò chơi sang tiếng Trung, tiếng Nhật hay tiếng Hàn phù hợp với văn hóa địa phương là cách thức thu hút lượng người chơi lớn, góp phần mở rộng thị trường và gia tăng doanh thu cho nhà phát triển game.

Tận dụng sức mạnh của những người có ảnh hưởng tại địa phương

Một phương thức khác để thu hút cộng động người chơi là tận dụng sức ảnh hưởng của người nổi tiếng, các streamer, game thủ hàng đầu tại quốc gia đấy, v.v… Mặc dù một số ngôi sao lớn trong lĩnh vực Games trên thế giới có thể nhận về sự quan tâm của đông đảo khán giả toàn cầu. Tuy nhiên, phần lớn hệ sinh thái người chơi tại mỗi quốc gia đều gắn chặt với những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng tại chính đất nước họ.

Ví dụ điển hình cho trường hợp này là streamer Marmok đến từ Nga, kênh Youtube của Marmok sở hữu khoảng 17 triệu người đăng ký. Các video được phát sóng trên kênh của chàng Youtuber số 1 nước Nga đều sử dụng tiếng mẹ đẻ nhằm tiếp cận người chơi tại quốc gia này thông qua số lượng người theo dõi Marmok. 

Một buổi livestream trên kênh Youtube của Marmok 

Với doanh thu thị trường khoảng 2,747 triệu USD vào năm 2021 và nằm trong danh sách các quốc gia sở hữu trình độ tiếng Anh thấp nhất tại Châu Âu như Nga, việc thu hút những người nổi tiếng như Marmok cũng như lượng người theo dõi chàng Youtuber này sẽ chỉ xảy ra thông qua cách thức phát triển nội dung bản địa hóa phù hợp với ngôn ngữ mẹ đẻ.

Tạm kết

Đúng như lời phát biểu của nhà bản địa hóa trò chơi Kieran Brewer đến từ NC West: “Game Localization hay chuyển ngữ là một loại nghệ thuật. Nó thúc đẩy và truyền cảm hứng cho mọi người dù ở bất cứ nơi đâu, thuộc lứa tuổi, tầng lớp, giới tính, văn hóa nào.” Với sự phát triển của ngành công nghiệp Games toàn cầu, đặc biệt là sự nổi lên của thị trường châu Á – Thái Bình Dương, nơi mà hầu hết các quốc gia đều sở hữu nhiều nét văn hóa đặc thù và không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính, công tác bản địa hóa trò chơi càng khẳng định sự cần thiết của mình trong quy trình phát triển game. Đây là cầu nối giúp xóa nhòa mọi khoảng cách giữa người dùng và một tựa game; đồng thời, trở thành công cụ tiếp cận thị trường hiệu quả mà các nhà phát triển không thể bỏ lỡ. 

Diệu Ngô