vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >15 kỹ thuật quay chụp “ăn tiền” dành cho các nhà làm phim
thumbnail-ky-thuat-quay-chup

15 kỹ thuật quay chụp “ăn tiền” dành cho các nhà làm phim

Để cho ra những thước phim ấn tượng, bạn cần biết bản thân đang làm gì sau khi bắt đầu bấm nút quay. Việc nắm vững các kỹ thuật quay chụp phổ biến sẽ giúp bạn thành công đem đến những sản phẩm đẹp mắt và có chiều sâu cho khán giả của mình. 

Dù bạn chỉ đơn thuần là vì công việc hay có một niềm đam mê cháy bỏng dành cho việc quay phim thì bài viết này đều sẽ giúp bạn có được kiến thức hữu ích về các góc quay chụp sao cho những những thước phim và bức ảnh của bạn không chỉ đẹp mắt mà còn trông chuyên nghiệp hơn. 

1-ky-thuat-quay-chup

Nguồn ảnh: Adorama

Việc sử dụng góc máy quay phù hợp sẽ giúp bạn dễ dàng thu hút sự chú ý của người xem và truyền tải được ý tưởng của tác phẩm. Bài viết dưới đây đã tổng hợp 15 kỹ thuật quay chụp phổ biến nhất trong ngành điện ảnh. Thông qua việc nghiên cứu và luyện tập thực hành, bạn sẽ từng bước tìm được cách kết hợp chúng sao cho vừa hợp lý lại giúp tác phẩm của mình trông sáng tạo, độc đáo và cuốn hút hơn.

1. Bird’s-eye shot (Góc quay trên cao)

Bird’s-eye shot là một kỹ thuật quay phim có thể bắt được toàn cảnh của một vùng đất rộng từ góc quay rất cao. Theo đó, các đối tượng quay đều được nhìn trực tiếp từ trên cao xuống. Kỹ thuật này thường được dùng trong những phân đoạn giới thiệu bối cảnh và nhấn mạnh sự nhỏ bé của chủ thể hướng đến so với các vật thể và môi trường xung quanh họ.

Ngoài ra, các góc quay trên không như drone shothelicopter shot cũng là một dạng khác của góc quay trên cao này.

2-ky-thuat-quay-chup

Nguồn ảnh: Every Steph

2. Long shot (Góc quay tầm xa)

Với sự trợ giúp của kỹ thuật quay phim này, người xem có thể hình dung ra được ý tưởng của cameraman về địa điểm mà phân cảnh được quay. Một góc quay tầm xa sẽ cho chúng ta thấy toàn bộ cơ thể con người từ đầu đến chân, kèm theo khung cảnh bao quanh lấy người đó. So với góc quay trên cao, ống kính của góc quay tầm xa sẽ tiếp cận đối tượng ở cự ly gần hơn.

Theo đó, chủ thể trong khung hình có thể thu hút sự chú ý của người xem. Tuy nhiên, khán giả sẽ không bị ảnh hưởng về mặt cảm xúc vì góc quay này hầu như chỉ được sử dụng để mô tả khung cảnh xung quanh. Do vậy, long shot sẽ phù hợp để theo dõi sự chuyển động và hành động của nhân vật hơn là đặc tả cảm xúc của họ tại thời điểm đó.

3-ky-thuat-quay-chup

Nguồn ảnh: PolarPro

4-ky-thuat-quay-chup

Nguồn ảnh: StudioBinder

3. Low angle shot (Góc quay thấp) 

Góc quay thấp được quay từ ống kính đặt dưới đường tầm mắt trung bình và hướng lên trên. Chế độ xem từ góc quay thấp có thể được kết hợp với hầu hết các góc quay điện ảnh như góc quay rộng, trung bình, cận cảnh, đặc tả,…

Các bức ảnh và thước phim thường được bắt từ góc máy 45 độ, nhưng nó có thể xê dịch khoảng vài inch từ dưới đường tầm mắt của đối tượng cho đến mặt đất. Cũng là low angle shot nhưng nếu được quay từ dưới đầu gối thì góc quay đó sẽ được gọi là extreme low angle shot (góc quay cực thấp).

5-ky-thuat-quay-chup

Nguồn ảnh: StudioBinder

4. High angle shot (Góc quay cao)

Hiểu một cách đơn giản thì góc quay cao là một kỹ thuật quay phim mà trong đó, ống kính sẽ quan sát đối tượng từ trên cao xuống. Chẳng hạn như khi bạn nhìn một người hoặc một vật nào đó từ góc độ cao hơn, điều đó sẽ khiến cho đối phương trông thấp bé hơn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. 

Tùy thuộc vào bối cảnh câu chuyện bạn đang kể, góc quay cao có thể khơi gợi nhiều loại cảm xúc khác nhau, từ tổn thương, sợ hãi cho đến căng thẳng, ngột ngạt, và đôi khi còn mang lại cảm giác nguy hiểm cho người xem. 

6-ky-thuat-quay-chup

Nguồn ảnh: Filmmaking Lifestyle

5. Medium shot (Góc quay trung bình)

Đây là một trong những cảnh quay phổ biến nhất được sử dụng trong phim ảnh. Medium shot thường có chức năng thiết lập một khung cảnh hoặc địa điểm mới, đồng thời được dùng để quay lại những lúc các nhân vật đang trò chuyện và chia sẻ thông tin với nhau.

Góc quay trung bình cũng phổ biến trong các cuộc phỏng vấn của phim tài liệu. Người xem có thể nhìn rõ chủ thể từ đầu gối hoặc thắt lưng trở lên, từ đó quan sát được gần như toàn bộ ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm gương mặt của họ.

7-ky-thuat-quay-chup

Nguồn ảnh: StudioBinder

6. Close-up shot (Góc quay cận cảnh)

Đây là một kỹ thuật điện ảnh chỉ nhắm đến phần đầu của đối tượng. Góc quay cận cảnh nhằm mục đích thể hiện cảm xúc của diễn viên, từ đó khiến khán giả được kết nối với nhân vật và cảm thấy đồng cảm với họ.

Góc quay này cũng là một công cụ cơ bản giúp nhấn mạnh các chi tiết quan trọng. Nó có thể được sử dụng để thể hiện nét mặt của một diễn viên khi đang nhâm nhi tách trà hay vân vê chiếc nhẫn trên ngón tay mình. Những cảnh quay cận cảnh giúp người xem hiểu rõ hơn về trạng thái cảm xúc của nhân vật. Như thế, bối cảnh hay khung nền đằng sau đều không thực sự được chú ý ở đây.

8-ky-thuat-quay-chup

Nguồn ảnh: Backstage

7. Extreme close-up shot (Góc quay đặc tả)

Là một tập hợp con của góc quay cận cảnh, góc quay siêu cận cảnh hay góc quay đặc tả đều là kỹ thuật quay chỉ đóng khung một phần trên khuôn mặt diễn viên, chẳng hạn như ánh mắt hay bờ môi của họ. Góc quay này làm tăng sự kịch tính và sức hút cho cảnh quay, khiến người xem bị mê hoặc bởi những cảm xúc và biểu hiện trên gương mặt nhân vật. Góc quay đặc tả cũng có tác dụng đối với các bộ phận và vật thể khác, ví dụ như cảnh bàn tay đang cắt dây để ngăn chặn một vụ nổ bom hay bên dưới đế giày có ẩn giấu một con chip nào đó chẳng hạn.

9-ky-thuat-quay-chup

Nguồn ảnh: Videomaker

8. Crane shot (Góc quay từ cần trục)

Đây là kiểu quay khi máy ảnh linh động di chuyển lên hoặc xuống một vài feet để đi theo các chuyển động của đối tượng trong khung cảnh. Các nhà làm phim sử dụng những thiết bị như cần cẩu hoặc cần trục để đặt máy quay cố định trên đó và một người sẽ đảm nhận giữ máy quay để kiểm soát góc độ và kỹ thuật quay của mình. 

Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi khá nhiều chi phí, mặc dù có thể thay thế chúng bằng máy quay không người lái (drone camera), nhưng chất lượng sẽ không thật sự đáp ứng đúng như mong đợi. Những cảnh quay cần sự hỗ trợ của cần trục thường khiến người xem chú ý đến sự thay đổi của nhân vật nhiều hơn. Nếu bạn có ngân sách thư thả, bạn có thể đầu tư các thiết bị để phục vụ cho công việc quay phim của mình. 

9. Tracking shot (Góc quay theo dõi)

Kỹ thuật quay phim này được sử dụng để theo dõi nhân vật hoặc khám phá môi trường xung quanh. Khi quay, camera được gắn trên dolly, một thiết bị giống như xe đẩy được đặt trên ray trượt dùng để hỗ trợ quay phim. Tùy theo ray trượt dọc hay 360 độ, dolly sẽ bám theo chủ thể đến một mức độ nào đó và để cho đối tượng không rời khỏi khung hình.

10-ky-thuat-quay-chup

Nguồn ảnh: Premiumbeat

Người xem sẽ thấy được hiệu ứng hình ảnh sống động thông qua những góc quay theo dõi như vậy. Máy quay cũng có thể đặt trên một phương tiện di chuyển khác nếu đối tượng đang chuyển động nhanh và xa.

11-ky-thuat-quay-chup

Nguồn ảnh: Pinterest

10. Panning shot (Kỹ thuật lia nhanh)

Panning có khả năng truyền tải tốc độ chuyển động ngoài đời thật của đối tượng vào trong ảnh và video. Nói một cách nôm na là các góc quay lia nhanh theo chiều ngang đều được gọi panning shot. Để thực hiện kỹ thuật quay chụp này, bạn cần di chuyển camera theo chiều ngang từ một vị trí cố định sao cho ống kính có thể quét theo đối tượng (đang chuyển động) trong khung hình. 

Khi camera di chuyển cùng với chủ thể, sản phẩm cho ra sẽ trông rất chuyên nghiệp và thể hiện được tốc độ nhanh chậm tùy theo mong muốn và tay nghề của người quay. Phương pháp này đi kèm với các kiến thức liên quan đến tốc độ màn trập trong nhiếp ảnh. Hãy nghiên cứu về nó và áp dụng cùng với kỹ thuật này để lột tả toàn cảnh xung quanh chủ thể một cách sống động hơn. 

12-ky-thuat-quay-chup

Nguồn ảnh: Adorama

11. Tilt shot (Góc quay lật dọc)

Góc quay lật dọc là một kỹ thuật quay phim khi máy ảnh di chuyển lên hoặc xuống theo chiều dọc từ một vị trí cố định trong cảnh quay. Góc máy này di chuyển sự chú ý của người xem từ điểm A lên/xuống điểm B, cũng như dùng để hé lộ một điều gì đó khi máy quay từ từ lật ống kính hướng lên/xuống theo chiều dọc của chủ thể. Tilt shot được ưu ái sử dụng trong các cảnh mở đầu, giới thiệu nhân vật, và kết thúc phim.

12. Dutch angle shot (Góc quay nghiêng)

Ở góc quay này, máy ảnh được xoay sao cho đường chân trời không song song với mép dưới cùng của khung hình. Góc quay nghiêng thường được dùng để thể hiện trạng thái mất phương hướng, không tự chủ, hoặc cảm xúc bất an và căng thẳng của nhân vật. Các đạo diễn phim kinh dị thường tận dụng rất tốt kỹ thuật quay chụp này.

13. Over-the-shoulder shot (Góc quay qua vai)

Góc quay này được bắt qua vai của một trong các nhân vật và cho khán giả xem trạng thái của nhân vật còn lại. Đầu và vai của người ở tiền cảnh sẽ bị làm mờ hoặc thậm chí mất hết nét, trong khi người kia sẽ được tập trung lấy nhiều nét hơn.

Góc quay qua vai là một trong những kỹ thuật quan trọng nhất trong làm phim vì nó bộc lộ mối liên hệ giữa các nhân vật với nhau, giúp người xem thấy được sự tương tác và biểu cảm của họ. Những cảnh này thường được quay/chụp khi các nhân vật đang trò chuyện cùng nhau.

13-ky-thuat-quay-chup

Nguồn ảnh: Videomaker

14. Zoom shot (Góc quay thu-phóng)

Zoom shot là một kỹ thuật thay đổi tiêu cự của ống kính máy ảnh. Kỹ thuật này giúp tạo ra ảo giác như thể máy ảnh đang di chuyển đến gần hoặc ra xa các vật thể hơn. Khi phóng to, các đối tượng sẽ trở nên lớn hơn trong khung hình và ngược lại. Thế nhưng, dù là thu hay phóng thì máy ảnh đều chỉ ở tại một vị trí cố định và nó không thực sự di chuyển đi đâu cả. Các góc quay thu-phóng thường được dùng để tập trung vào nhân vật hoặc vật thể chính có trong cảnh quay.

15. Point-of-view shot (Góc quay “ngôi thứ 1”)

Đây là một kỹ thuật quay với khá nhiều tên gọi: Góc quay hướng nhìn, góc quay từ người xem, góc quay theo góc nhìn nhân vật, góc quay POV,… Tựu trung lại, đây là một kỹ thuật quay mà trong đó, người xem như được “hòa làm một” với nhân vật, có thể nhìn thấy mọi thứ đang diễn ra thông qua góc nhìn của nhân vật đó, từ đó khiến người xem cảm thấy như họ là một phần của câu chuyện mà mình đang theo dõi.

14-ky-thuat-quay-chup

Nguồn ảnh: PremiumBeat

Phương pháp quay theo góc nhìn thứ nhất đã trở nên phổ biến đối với blogger khi họ quay video bằng cách sử dụng các loại camera đeo trên đầu để người xem có thể biết được những gì đang diễn ra xung quanh họ.

Bài viết trên đã tổng hợp 15 kỹ thuật quay chụp cơ bản, phù hợp cho những ai muốn tìm hiểu thêm về quy trình làm phim. Tuy nhiên, nếu bạn là dân chuyên nghiệp thì đây sẽ là một cuốn cẩm nang hữu ích, giúp bạn nghiên cứu lại các góc quay trước khi bắt tay thực hiện dự án của mình. Hãy nhớ rằng, một bộ phim không chỉ nói về nội dung bạn đã quay mà còn về cách thức bạn dựng ra được những thước phim đó. Vì vậy, việc nắm vững các thủ thuật quay chụp trước khi làm phim chưa bao giờ là điều dư thừa. 

Nguồn: Movavi, Adobe

Tâm Cửu