vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >10 lời khuyên từ chuyên gia giúp quy trình sản xuất VFX hiệu quả hơn
thumbnail-10-loi-khuyen-vfx

10 lời khuyên từ chuyên gia giúp quy trình sản xuất VFX hiệu quả hơn

Xây dựng hiệu ứng hình ảnh là quá trình đòi hỏi nhiều công sức của các bên liên quan từ khách hàng, Agency, Artist cho đến các Đạo diễn, diễn viên. Do đó, một giai đoạn sản xuất hậu kỳ thành công cần được lập kế hoạch chi tiết và cẩn thận. Dưới đây là Top 10 bí quyết giúp VFX Producer/VFX Supervisor kiểm soát dự án hiệu quả. 

Thông thường, các VFX Producer sẽ làm việc cùng VFX Supervisor để quản lý toàn bộ quy trình sản xuất kỹ xảo hình ảnh, xác định nguồn lực cần có cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu outsource, thuê nghệ sĩ hay đoàn làm phim khi cần thiết. Để quá trình làm việc được diễn ra thuận lợi, Producer sẽ phân chia quy trình thành ba giai đoạn: trước, trong và sau khi on-set. 

1-10-loi-khuyen-vfx-pipeline

Ảnh: Rays VFX Academy 

Trước khi on-set

Ở giai đoạn đầu tiên, VFX Producer cần xem xét ý tưởng của đạo diễn và nhóm sáng tạo dự án như đọc kịch bản, phân tích Storyboard, v.v. Từ đó, tiến hành phân tích các nguồn lực cần thiết để hoàn thành công việc dựa trên thời gian và ngân sách được cung cấp. Nguồn lực này bao gồm nhiều yếu tố có thể kể đến như thể loại Artist, phong cách nào sẽ phù hợp với dự án hay những giải pháp kỹ thuật cần có để cho ra đời sản phẩm khả thi và hiệu quả nhất.

Khi on-set

VFX Producer cử người giám sát đến phim trường nhằm trực tiếp theo dõi quá trình quay phim, đảm bảo Artist sẽ có đầy đủ tư liệu phục vụ cho giai đoạn sản xuất hậu kỳ. Điều quan trọng là VFX Producer cần giữ kết nối với VFX Supervisor xuyên suốt thời gian trên phim trường, nếu xuất hiện bất kỳ thay đổi nào thì cần thông báo đến đội ngũ hậu kỳ để kịp thời xử lý, duy trì tính liền mạch và chất lượng dự án. 

2-10-loi-khuyen-vfx-pipeline

Ảnh: International Design School 

Sau khi on-set

Giả sử mọi yếu tố đều diễn ra suôn sẻ và thuận lợi trong quá trình quay phim, hoặc ít nhất các quyết định đưa ra tại thời điểm on-set không gây tác động lớn đến giai đoạn hậu kỳ. Lúc này, VFX Producer cũng như VFX Supervisor cần tiếp tục theo dõi quy trình xây dựng hiệu ứng hình ảnh, đảm bảo cho dự án theo đúng tiến độ và trở thành trung gian kết nối giữa Đạo diễn với đội ngũ Artist. Một VFX Producer giỏi phải là người biết bảo vệ chính kiến của bản thân, đồng thời lắng nghe và cân nhắc những mối quan tâm, nhu cầu của từng khách hàng cùng các Artist đang làm việc với họ. 

Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể gia tăng hiệu suất công việc cũng như kiểm soát tốt quy trình VFX nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ở giai đoạn tiền sản xuất (Pre-production). Sau đây là 10 mẹo nhỏ từ chuyên gia giúp bạn quản lý dự án VFX hiệu quả hơn.

1. Thống nhất các nguyên tắc cơ bản ngay từ giai đoạn Pre-production

Khách hàng luôn là người đưa ra quyết định cuối cùng đối với một dự án, vì thể để tránh lãng phí thời gian và công sức của đôi bên, bạn cần phải xác định chính xác những gì họ mong muốn ngay từ đầu. Điều này đồng nghĩa rằng các VFX Producer cần có cuộc trò chuyện cùng Đạo diễn và nhóm sáng tạo của họ để nắm bắt rõ ràng ý tưởng kịch bản, cũng như nhiều yếu tố quan trọng khác như: đạo cụ, moodboard, storyboard, v.v. Đồng thời, đây cũng là cơ hội mà bạn có thể cất lên tiếng nói, đưa ra quan điểm đối với dự án và những điều sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sau này.

Sau khi thấu hiểu mong muốn của khách hàng, bạn cần bắt tay vào lập kế hoạch cho dự án. Việc tạo một boardmatic dựa trên kịch bản phân cảnh sẽ cung cấp cho đạo diễn bản phác thảo sơ bộ về thời gian dành cho mỗi cảnh quay, số lượng khung hình hay cách chuyển động của camera. Phương pháp này cũng giúp cho khách hàng và những người tham gia vào dự án có được góc nhìn tổng quan về sản phẩm cuối cùng mà bạn sẽ cho ra đời.

Bạn không nên tiếp tục giai đoạn tiếp theo cho đến khi nhận được sự chấp thuận về Animatic. Bởi lẽ đây là bước quan trọng trong quy trình sản xuất Animation nói riêng và hiệu ứng hình ảnh nói chung, nhờ Animatic mà bạn có thể chắc chắn rằng câu chuyện, ý tưởng, âm thanh, hình ảnh, lời thoại, chuyển động cùng nhiều yếu tố khác đã được mọi người trong đoàn phim cũng như khách hàng của bạn hiểu rõ trước khi chính thức bước vào quy trình sản xuất.

3-10-loi-khuyen-vfx-pipeline

Ảnh: StudioBinder 

Nếu khách hàng gây áp lực buộc bạn phải thực hiện ngay lập tức thì cần kiên nhẫn giải thích cho họ hiểu những rủi ro có thể xảy đến nếu bỏ qua giai đoạn Animatic như: gia tăng chi phí, chậm trễ thời gian hoàn thành dự án, v.v. Bởi lẽ, CG không hề dễ dàng quay đi quay lại nếu xảy ra sự cố cần chỉnh sửa về phân cảnh hay thêm bớt phân cảnh do xuất phát từ nguyên nhân chưa thống nhất Animatic trước đó.

Ngay cả khi khách hàng đã có kinh nghiệm làm việc cùng công nghệ CG, bạn vẫn nên nhắc lại với họ một lần nữa về thứ tự của quy trình sản xuất VFX chuyên nghiệp. Modelling phải trước Rigging, sau đó đến Animation, Look-Dev, Lighting, Rendering, Compositing. Đặc biệt, bạn cần xác định từ sớm những yếu tố có thể và không thể thương lượng khi đã bắt tay vào giai đoạn xây dựng hiệu ứng hình ảnh. Chỉ như vậy, bạn mới có thể hạn chế tối đa rắc rối liên quan đến tiền bạc cùng nhiều vấn đề phát sinh khác sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ với khách hàng.

Tùy thuộc vào dự án, quá trình chuẩn bị này có thể mất 1 tuần hoặc đôi khi kéo dài cả tháng. Thông thường, khoảng thời gian được xác định từ thời điểm bạn nhận được phê duyệt ngân sách và thời hạn bàn giao sản phẩm.

2. Lựa chọn VFX Supervisor tốt nhất khi on-set

Việc sở hữu một Artist có kinh nghiệm ngay trên phim trường không chỉ giúp bạn thu thập được nhiều tư liệu quý giá cho khâu sản xuất hậu kỳ mà còn giúp hạn chế những sai lầm đáng tiếc, gây ra tổn thất chi phí cho đoàn làm phim. Bộ phim càng nhiều phân cảnh cần xử lý VFX thì vai trò của VFX Supervisor trên phim trường càng trở nên quan trọng. Thậm chí, ngay cả khi bạn chỉ quay một cảnh duy nhất vẫn nên cân nhắc xem họ có thể ghé qua phim trường vài giờ hay không.

4-10-loi-khuyen-vfx-pipeline

Ảnh: Backstage

Đây cũng chính là người góp phần hoàn thiện các phân cảnh hiệu ứng hình ảnh ở mức độ tốt nhất trong quá trình thực hiện hậu kỳ. Bởi lẽ, họ đã nắm bắt toàn bộ quy trình ngay từ giai đoạn quay phim và có thể đưa ra các đề xuất thích hợp dành cho đôi bên.

3. Đừng mang phần việc trên phim trường về khâu hậu kỳ

Hãy thực hiện ngay trong khoảng thời gian quay phim những phân đoạn mà bạn có thể làm trực tiếp và hạn chế mang tất cả về giai đoạn hậu kỳ, điều này giúp bạn dành thời gian tập trung cho các phân cảnh khó hơn ở khâu sản xuất hiệu ứng hình ảnh. Thay vì phải xóa bỏ vật thể, dây cáp, biển báo hay những yếu tố dư thừa khác khi đang miệt mài dựng VFX, tại sao bạn không chuẩn bị kỹ lưỡng hơn ngay khi còn ở phim trường?

Nếu quá trình sản xuất VFX yêu cầu số lượng lớn hiệu ứng hình ảnh phức tạp, hãy đảm bảo rằng Supervisor khi on-set sẽ mang về cho bạn bức ảnh tham khảo quý giá tại đó. Ngay cả khi chỉ là tấm ảnh được chụp từ chiếc điện thoại vẫn sẽ tốt hơn không có gì. Bên cạnh đó, nếu bạn đang thực hiện công đoạn Matte Painting hoặc phần mở rộng bối cảnh, đây còn là nguồn tư liệu hữu ích giúp bạn tham chiếu hoặc tái sử dụng cảnh quay trong quá trình hậu kỳ như: khung cảnh xung quanh phim trường, các vật liệu, đất, đá, bầu trời, v.v.

5-10-loi-khuyen-vfx-pipeline

Ảnh: The Creative Company

Ngoài ra, bạn còn phải cẩn thận chú ý, đừng để cho bóng của thành viên trong đoàn phim xuất hiện trên cảnh quay cũng như phản chiếu qua gương hay các ô cửa. Đồng thời, nhớ nhắc nhở trang phục diễn viên và nơi đặt đạo cụ.

4. Lựa chọn Artist phù hợp

Số lượng VFX Artist và cách phân chia công việc giữa họ phụ thuộc vào tính chất dự án. Đối với những dự án dài hạn như một tác phẩm điện ảnh hoặc bộ phim tài liệu, đội ngũ sản xuất sẽ phân chia cụ thể dựa trên lĩnh vực chuyên môn: Concept Art, Modelling, Look-Dev, Rigging, Animation, Texturing, Fur và Cloth, v.v. Nếu bạn có quỹ thời gian giới hạn cũng như nguồn ngân sách hạn chế thì phương án khả thi nhất là thuê một chuyên gia 3D Generalist đảm nhận hầu hết công đoạn sản xuất; đồng thời, chỉ mời sự cộng tác từ Artist khác ở giai đoạn khó và đòi hỏi tính chuyên môn cao ví dụ như Simulation.

Thời hạn hoàn thành công việc càng ít đồng nghĩa rằng quy trình sản xuất VFX càng trở nên khó khăn, do đó bạn cần sở hữu đội ngũ Artist giàu kinh nghiệm hơn. Ngược lại, nếu quá trình sản xuất kéo dài vài tháng, khi đó bạn sẽ có nhiều thời gian để giám sát đội nhóm và cho phép Artist trẻ có cơ hội rèn luyện, phát triển kỹ năng thực tế. 

6-10-loi-khuyen-vfx-pipeline

Ảnh: VFX Voice

Trên thực tế, không có công thức chính xác để xác định số lượng Artist tham gia vào dự án, có nhiều yếu tố chi phối điều này như tính chất phức tạp của công việc, thời gian, ngân sách, v.v. Thời gian càng ngắn, VFX Supervisor cần quan tâm nhiều hơn đến những đồng đội xung quanh, phân tích và ghi chú lịch trình của đạo diễn để đối chiếu với Artist.

Thông thường, một Artist có thể mất khoảng 2 tuần để tạo ra một nhân vật cơ bản và hoàn thiện 10 giây Animation mỗi ngày. Đối với các nhân vật yêu cầu chi tiết, đòi hỏi cao hơn thì sẽ tốn nhiều thời gian để thực hiện. Đồng thời, các Artist cấp dưới chắc chắn sẽ cần nhiều ngày so với những Artist ở cấp bậc quản lý, thường họ sẽ cần thời gian gấp rưỡi hoặc ba lần để hoàn tất phần việc đảm nhận.

5. Giao tiếp liên tục trong quá trình làm việc

Điều quan trọng khi đảm nhận hiệu ứng hình ảnh cho một dự án là phải cập nhật thường xuyên trạng thái của sản phẩm. Do đó, VFX Supervisor cần tăng cường đối thoại trực tiếp cùng đội ngũ sản xuất và người quản lý từng bộ phận để nắm bắt chính xác tiến độ dự án cũng như khó khăn hay vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện VFX.

Dấu hiệu cảnh báo cho thấy một dự án đang đi chệch hướng là khi khách hàng, đạo diễn, Agency và các bên liên quan không thống nhất nhiệm vụ cần thực hiện mà chỉ “quanh đi quẩn lại” những vấn đề riêng lẻ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều Artist nhanh chóng cảm thấy bế tắc và mất dần động lực làm việc.

7-10-loi-khuyen-vfx-pipeline

Ảnh: MAAC India

Lúc này, nếu mọi thứ dần trở nên khó khăn, bạn có thể đề xuất tạm dừng quá trình sản xuất cho đến khi nhận được sự chấp thuận rõ ràng và tìm ra tiếng nói chung giữa các bên liên quan. Thay vì lãng phí thời gian hay năng lượng vào loạt ý kiến trái ngược nhau, hãy tập hợp họ lại để thống nhất hướng đi khiến tất cả đều hài lòng,

6. Thu thập những chỉ số phù hợp

Sau buổi quay trực tiếp tại phim trường, bạn sẽ nhận được danh sách cần chỉnh sửa EDL (Edit Decision List) cùng với tất cả footage và chuyển mã video cần thiết cũng như các báo cáo về camera và shoot quay. Đây là thông số quan trọng giúp bạn theo dõi những chế độ cài đặt được sử dụng trong mỗi lần quay phim. Nếu bạn có nhu cầu tái tạo thế giới thực từ ống kính trên phần mềm 3D để khớp với hiệu ứng cũng như giao diện nền, hệ thống báo cáo sẽ tự động tạo ra một số thông tin cần thiết cùng với thumbnail của video dưới dạng chưa hoàn chỉnh. Lúc này, VFX Supervisor cần ghi lại tất cả những thông tin quan trọng như: tên của clip, thời lượng, ống kính được sử dụng, chiều cao máy ảnh, bộ lọc, tốc độ khung hình (fps), góc máy, độ nghiêng máy ảnh, điểm lấy nét, cài đặt ISO của máy, v.v.

8-10-loi-khuyen-vfx-pipeline

Ảnh: Academy of Fine Art

Từ nguồn dữ liệu này, bạn cần tạo ra danh sách cảnh quay cần xử lý VFX để chuyển đến cho đội nhóm thực hiện. Phần này chứa đựng các ghi chú về hiệu ứng, mã thời gian cho cảnh quay tương ứng, bao gồm một số thông tin cơ bản như: tên shot, ảnh thumbnail, số thứ tự cảnh quay, mô tả hiệu ứng sử dụng, độ dài khung ảnh, thông tin ống kính, mã thời gian code in/code out, ghi chú tiến độ công việc, v.v.

7. Thiết lập hệ thống rà soát hằng ngày

Trong quá trình sản xuất hậu kỳ, Đạo diễn luôn muốn theo dõi cách thức diễn ra mọi thứ và đưa ra ghi chú, hướng dẫn dành cho công việc. Để đáp ứng điều này, những thiết bị, công nghệ xây dựng hiệu ứng hình ảnh cần cập nhật liên tục phiên bản mới nhất của sản phẩm để mọi người cùng theo dõi.

9-10-loi-khuyen-vfx-pipeline

Ảnh: CG Channel

Hiện nay, có rất nhiều phần mềm được thiết kế riêng biệt dành cho mục đích sàng lọc và cập nhật tiến độ hằng ngày. Đây là những dịch vụ trực tuyến vô cùng an toàn mà bạn có thể sử dụng từ xa cùng đội nhóm, điển hình như: Frame.io, ZedDrive, DAX, Production Cloud, PIX và COPRA. Hãy lựa chọn nền tảng phù hợp với nhu cầu và ngân sách của bạn. Nếu bạn chỉ là một đội nhóm nhỏ, số lượng công việc không quá nhiều thì trang tính đơn giản có thể sẽ phù hợp để bạn kiểm soát tiến độ hằng ngày.

8. Sử dụng công cụ chỉnh sửa thích hợp

Nếu bạn có khung frame bổ sung dành cho phần trước hoặc sau vị trí hiển thị của clip, bạn có thể tự điều chỉnh chúng. Tuy nhiên, những khung hình này cũng phải trải qua các công đoạn như 3D tracking, rotoscoping, cleaning, v.v. Vì vậy, bạn nên có một bộ khung sở hữu độ dài tương ứng với sự phức tạp của những cảnh quay cần thực hiện VFX. Dù bạn lựa chọn thế nào thì hãy đảm rằng Đạo diễn, Editor và đội ngũ sản xuất biết rằng họ sẽ không cần phải chỉnh sửa quá nhiều đối với một số cảnh quay nhất định. 

9. Sắp xếp tên tập tin một cách logic

Tưởng chừng đơn giản nhưng việc sắp đặt tên tập tin theo một công thức nhất định sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian tìm kiếm về sau cũng như cho thấy sự chuyên nghiệp khi làm việc. Đây là một quy ước đặt tên tệp mà bạn có thể tham khảo:

  • DISNEY_Xmas_45s_EDIT_v03_H264_2019_05_22
  • Khách hàng_Tên dự án_Thời lượng_Giai đoạn_Phiên bản_Cài đặt_Ngày thực hiện

10-10-loi-khuyen-vfx-pipeline

Ảnh: CG Channel

Có thể điều này sẽ khiến một số người cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, cách quy ước tên tập tin như thế sẽ khiến quá trình làm việc của các Artist trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời, khi khách hàng sửa đổi tên tệp, bạn vẫn có thể nhận biết bản thân đang xem phiên bản nào, tránh sự cố nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra.

10. Đừng nỗ lực để hoàn hảo bằng mọi giá

Khi thời hạn hoàn tất dự án và ngân sách càng chặt chẽ thì bạn càng cần phải có tổ chức trong quá trình sản xuất hiệu ứng hình ảnh. Do đó, bạn cần xây dựng cho đội nhóm các mục tiêu cần hoàn tất mỗi ngày và lần lượt thực hiện từng bước một. Với tư cách VFX Producer hay VFX Supervisor, đôi khi bạn phải đưa ra những quyết định khó khăn, nhưng hãy lưu ý rằng dù thế nào vẫn phải ưu tiên đội nhóm của mình trước tiên. Bởi lẽ, họ là đồng đội cùng bạn tạo ra các thước phim kỳ diệu, cung cấp cho họ những điều kiện tốt nhất để làm điều này là điều mà bạn cần luôn luôn ghi nhớ.

11-10-loi-khuyen-vfx-pipeline

Ảnh: VFX Voice

Cuối cùng, lời khuyên mà chuyên gia dành cho bạn là “đừng theo đuổi sự hoàn hảo bằng mọi giá”. Thay vì cố gắng chỉnh sửa một cảnh quay nào đó thật đẹp đẽ thì bạn có thể lựa chọn cách xây dựng phiên bản thô để nhìn thấy bức tranh tổng thể của sản phẩm. Bằng phương pháp này, bạn sẽ tránh lãng phí công sức cũng như thời gian nếu hướng đi ban đầu không thành công. 

Nguồn tham khảo: CG Channel

Diệu Ngô