vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Chưa phân loại >Khai thác lời phê bình tiêu cực với tư cách là một Animator
thumbnail-feedback-animator

Khai thác lời phê bình tiêu cực với tư cách là một Animator

Làm thế nào để biến những lời phê bình mang tính hủy diệt trở nên có giá trị đối với lộ trình sự nghiệp của một nhà làm phim hoạt hình? Cùng Vietnam VFX-Animation tìm hiểu về các loại phản hồi thường gặp và cách xử lý những chỉ trích tiêu cực với tư cách là một Animator bạn nhé!

Trong thế giới hoạt hình đầy năng động, phản hồi (feedback) là nhân tố then chốt trong quá trình sáng tạo của mỗi một nghệ sĩ. Tương tự với các nhà làm phim hoạt hình, chúng ta thường gặp phải hai loại phản hồi với sức ảnh hưởng mang lại là hoàn toàn khác nhau, gồm: phản hồi mang tính xây dựng và phản hồi mang tính phá hoại.

Trong khi những lời nhận xét mang tính xây dựng được đưa ra nhằm củng cố và nâng cao chất lượng công việc của chúng ta, thì những chỉ trích mang tính phá hoại vừa không đem lại bất kỳ giá trị nào vừa khiến chúng ta mất tinh thần và động lực một cách vô ích.

1-feedback-animator

Nguồn ảnh: LiveAbout

Tuy nhiên, có những lời chỉ trích mang tính hủy diệt, mặc dù rất khó để người nghe tiếp nhận, nhưng nếu xảy ra với đúng người và vào đúng thời điểm thì lại có thể trở thành chất xúc tác mạnh mẽ, hỗ trợ cho sự thành công của một cá nhân và con đường sự nghiệp của họ.

Bài viết này sẽ đi sâu vào hai hình thức phản hồi nêu trên và giúp bạn xử lý những lời phê bình tiêu cực để từ đó biến chúng thành động lực thúc đẩy bản thân tiến lên với tư cách là một nhà làm phim hoạt hình.

Đâu là lời phê bình mang tính xây dựng và phá hoại?

Phê bình mang tính xây dựng

Đây là loại nhận xét, phản hồi mà mọi nhà làm phim hoạt hình đều tìm kiếm. Những lời phê bình mang tính xây dựng đều được tạo với mục đích cụ thể, giúp người nghe hiểu được cái tốt và chưa tốt trong dự án hoặc nhiệm vụ mà mình thực hiện, để từ đó cải thiện hiệu suất công việc ngày một tốt hơn.

2-feedback-animator

Nguồn ảnh: Niagara Institute

Nó không chỉ xoay quanh việc chỉ ra những điểm sai sót mà còn cung cấp cho người nghe các giải pháp và lời khích lệ phù hợp cho sự phát triển của họ.

Ví dụ: Thay vì chê bai và yêu cầu Animator chỉnh sửa một cách mơ hồ, khách hàng có thể đề xuất điều chỉnh nhịp độ của hoạt ảnh để truyền tải câu chuyện một cách tốt hơn, đồng thời cung cấp những lý do rõ ràng vì sao họ muốn như thế và các phương pháp khả thi cho vấn đề của họ.

Phê bình mang tính phá hoại

Những lời chỉ trích mang tính tiêu cực, phá hoại nói chung thường thiếu tính cụ thể và tập trung nhiều hơn vào mặt tiêu cực mà không đưa ra bất kỳ giải pháp nào để khắc phục vấn đề. Nó có thể mang lại cảm giác công kích, khó chịu và gây mất tinh thần cho người thực thi.

Ví dụ: Một khách hàng tuyên bố thẳng thừng rằng hoạt ảnh của bạn không hấp dẫn nhưng lại chẳng đưa ra bất kỳ lý do hay phương pháp nào để cải thiện điều này.

3-feedback-animator

Nguồn ảnh: CultureMonkey

Đây là một tình huống giả định để cho thấy sự khác biệt của hai loại phản hồi:

Phản hồi mang tính xây dựng: “Chuyển động của nhân vật có vẻ hơi cứng nhắc trong phân cảnh này. Chúng ta có thể thử làm cho chúng chạy mượt hơn để nâng cao khả năng tác động về mặt cảm xúc không?”

Phản hồi mang tính phá hoại: “Hoạt ảnh này không nắm bắt được bất kỳ cảm xúc nào hết. Nó chẳng ra làm sao cả.”

Trong cùng một tình huống, phản hồi mang tính xây dựng sẽ hữu ích và hướng dẫn người làm phim hoạt hình biết cách cải thiện lỗi một cách cụ thể. Trong khi đó, những chỉ trích mang tính tiêu cực lại rất mơ hồ và không đưa ra bất kỳ lời khuyên hữu ích nào, khiến cho người thực hiện không biết phải tiếp tục chỉnh sửa hoạt ảnh của mình ra làm sao. 

Tác động của những lời chỉ trích mang tính hủy diệt đối với nhà làm phim hoạt hình

Những lời phê bình tiêu cực, khi được đưa ra một cách gay gắt, có thể tác động mạnh mẽ đến các nhà làm phim hoạt hình. Đó không chỉ là cảm giác bị tổn thương mà những phản hồi như vậy còn có thể làm lung lay niềm tin của họ về chuyên môn và khả năng sáng tạo của mình.

4-feedback-animator

Nguồn ảnh: 24 Fingers

Dưới đây là những kiểu phản ứng và cảm xúc điển hình mà các nhà làm phim hoạt hình có thể trải qua khi đối mặt với những lời chỉ trích tiêu cực:

Tổn thất về cảm xúc

Việc nhận được những phản hồi gay gắt, thiếu tính xây dựng có thể khiến các Animator kiệt quệ về mặt cảm xúc. Nó sẽ từng bước dẫn đến sự hoài nghi bản thân, thất vọng hoặc thậm chí đặt ra vô số thắc mắc về lựa chọn nghề nghiệp của mình. Điều này đặc biệt đúng đối với các nhà làm phim hoạt hình tự do, những người thường làm việc độc lập và thiếu hệ thống hỗ trợ để giúp họ đối phó với các phản hồi.

Sự rụt rè trong quyết định 

Những lời chỉ trích mang tính hủy diệt đôi khi có thể khiến các Animator do dự trong việc chấp nhận rủi ro sáng tạo hoặc thử các kỹ thuật mới. Vấn đề lưỡng lự này dần dà sẽ cản trở sự tiến bộ và đổi mới của họ, trong khi đó lại là những yếu tố quan trọng giúp họ sinh tồn giữa thị trường hoạt hình không ngừng phát triển như hiện nay.

Mất động lực 

Khả năng làm suy giảm động lực của những lời chỉ trích tiêu cực có thể ảnh hưởng đến năng suất và mong muốn hoàn thành dự án hiện tại hoặc đảm nhận những dự án mới của các Animator. Điều này sẽ càng khó khăn hơn khi họ phải xử lý các dự án của khách hàng dưới lịch trình vô cùng dày đặc.

5-feedback-animator

Nguồn ảnh: Intelligent Health

7 chiến lược giúp xử lý những chỉ trích tiêu cực với tư cách là nhà làm phim hoạt hình

Việc vượt qua làn sóng chỉ trích gay gắt đòi hỏi sự kết hợp giữa trí thông minh cảm xúc và sự nhạy bén trên phương diện nghề nghiệp. Dưới đây là một số phương pháp có thể giúp các Animator xử lý phê bình tiêu cực và biến chúng trở thành những phản hồi mang tính xây dựng hơn:

1. Tách biệt cảm xúc khi nhận phản hồi

Việc cảm thấy bị công kích hoặc khó chịu khi phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt là vô cùng dễ hiểu. Tuy nhiên, hãy cố gắng tách cảm xúc cá nhân ra khỏi những lúc nhận phản hồi chuyên môn, và hiểu rằng lời phê bình là dành cho tác phẩm chứ không phải cho cá nhân bạn.

2. Làm rõ phản hồi

Nếu lời chỉ trích khiến bạn mơ hồ trong việc cải thiện tác phẩm thì đừng ngần ngại hỏi cụ thể điều người phê bình muốn là gì. Việc hiểu chính xác những khía cạnh nào trong công việc của bạn đang bị phàn nàn có thể mang lại cho bạn những bài học có giá trị để hoàn thiện năng lực về sau.

6-feedback-animator

Nguồn ảnh: Arrington Coaching

3. Bình tĩnh suy ngẫm

Hãy lùi lại một bước và cho phép bản thân có thời gian xử lý các phản hồi một cách bình tĩnh. Việc thể hiện bản thân trong lúc nóng nảy có thể dẫn đến những trao đổi và quyết định không hiệu quả cho dự án chung.

4. Tìm ra cốt lõi trong lời chỉ trích

Ngay cả trong những phản hồi tiêu cực nhất vẫn sẽ có một phần sự thật nào đó đem lại giá trị hữu ích cho bạn. Hãy ngẫm lại, xác định xem có điểm nào hợp lý trong lời phàn nàn của họ không, sau đó cân nhắc sửa chữa chúng nhằm nâng cao chất lượng công việc của mình.

5. Đáp trả một cách chuyên nghiệp

Hãy phản hồi những lời chỉ trích một cách chuyên nghiệp, cũng như thể hiện tinh thần sẵn sàng lắng nghe và cải thiện chất lượng của bạn. Cách tiếp cận này thường có thể biến sự tương tác tiêu cực thành một cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn.

6. Tìm kiếm sự hỗ trợ

Nếu không thể tự mình giải quyết vấn đề, bạn hãy thảo luận với đồng nghiệp hoặc cố vấn của mình để tìm kiếm sự hỗ trợ. Họ có thể giúp bạn đưa ra những quan điểm khách quan và lời khuyên có giá trị để đối phó với phần lớn rắc rối được nêu ra.

7-feedback-animator

Nguồn ảnh: Power of Positivity

7. Thực hiện các thay đổi

Sau khi phân tích và cảm thấy lời phê bình có giá trị thì bạn hãy sử dụng nó như một cơ hội để học hỏi và trưởng thành hơn. Bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong quy trình thực hiện hoặc kỹ thuật của bạn để từ đó giải quyết các vấn đề mà họ đã chỉ ra.

Làm thế nào để chuyển đổi những chỉ trích mang tính hủy diệt thành kết quả tích cực?

Biến những chỉ trích mang tính phá hoại thành động lực mang tính xây dựng là một kỹ năng cần thiết đối với mọi nhà làm phim hoạt hình, bất kể bạn có năng lực đến đâu. Dưới đây là cách tận dụng phản hồi tiêu cực để đạt được kết quả tích cực trong dự án của bạn:

Áp dụng tư duy cầu tiến (growth mindset)

Luôn luôn nhớ rằng kỹ năng và khả năng của bạn đều có thể được mở rộng thêm từng ngày. Hãy xem những chỉ trích như một cơ hội để bạn cải thiện bản thân một cách tích cực, hơn là sự phản ánh năng lực hiện tại và mặc định tài năng của bạn chỉ ở mức đó.

Lọc ra những giá trị hữu ích

Bạn hãy bỏ qua giọng điệu chỉ trích của người nói và chỉ tập trung vào cốt lõi trong nội dung của họ. Có từ khóa hay chủ đề nào đang lặp đi lặp lại trong phản hồi mà bạn nhận được không? Nếu có, hãy sử dụng chúng như một phương thức để xác định các yếu tố mà bạn cần thay đổi trong dự án của mình.

8-feedback-animator

Nguồn ảnh: Advertising Vietnam

Đặt ra mục tiêu khả thi

Dựa trên những lời phê bình, hãy đặt ra các mục tiêu cụ thể mà bạn có khả năng hoàn thành. Ví dụ: Nếu phản hồi là hoạt ảnh của bạn đang thiếu sự mượt mà, bạn có thể tập trung vào việc nắm vững các kỹ thuật chuyển động để khắc phục vấn đề một cách tốt nhất.

Thử nghiệm và rút kinh nghiệm

Sử dụng phản hồi như một lời nhắc để bạn có thể thử nghiệm những phong cách hoặc kỹ thuật mới. Học hỏi và thích ứng liên tục là chìa khóa giúp bạn không sợ bị đào thải trong lĩnh vực hoạt hình liên tục biến đổi như hiện nay.

Theo dõi tiến độ

Hãy lưu giữ lại những nhận xét và cách bạn phản hồi chúng. Theo thời gian, bạn có thể đọc lại những điều này để xem bản thân đã tiến được bao xa, cũng như những lời chỉ trích trên đã giúp bạn hoàn thiện chuyên môn của mình như thế nào.

Mối liên hệ giữa phản hồi mang tính hủy diệt và khả năng cải thiện kinh doanh

Những chỉ trích mang tính hủy diệt cũng có thể là chất xúc tác hỗ trợ cải thiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hoạt hình. Dưới đây là một số cách giúp bạn có thể áp dụng được điều đó:

9-feedback-animator

Nguồn ảnh: Nicereply

Điều chỉnh cách giao tiếp với khách hàng

Phản hồi tiêu cực thường làm nổi bật những điểm cần khắc phục trong cách giao tiếp giữa khách hàng và các Animator. Nếu bạn có thể điều chỉnh lại phương thức trao đổi thông tin với khách hàng, điều này sẽ giúp đội ngũ thực hiện xây dựng và điều chỉnh brief sao cho rõ ràng và nắm bắt kỳ vọng của khách hàng tốt hơn, đồng thời hình thành được cách xử lý phản hồi hiệu quả cho những lần hợp tác sau đó.

Cải thiện chất lượng dịch vụ

Bất kể phản hồi tích cực hay tiêu cực đều có thể cung cấp cho người thực thi những góc nhìn sâu sắc về kỳ vọng của khách hàng và xu hướng thị trường hiện nay. Các nhà làm phim hoạt hình có thể sử dụng những thông tin này để nâng cao chất lượng và mức độ phù hợp trong dịch vụ của họ.

Điều chỉnh chiến lược kinh doanh

Những lời chỉ trích có thể giúp bạn nhìn ra được lỗ hổng trong hoạt động kinh doanh hoặc cách bạn định vị thị trường. Điều này góp phần nhắc nhở những nhà làm phim hoạt hình hoặc chủ của các xưởng phim suy nghĩ lại và điều chỉnh chiến lược kinh doanh sao cho đáp ứng với sự biến đổi của thị trường hiện nay.

10-feedback-animator

Nguồn ảnh: Contender Solutions

Làm thế nào để khai thác những phản hồi mang tính hủy diệt với tư cách là nhà làm phim hoạt hình?

Những lời chỉ trích mang tính hủy diệt mặc dù ban đầu dễ khiến bạn nản lòng, nhưng lại có thể trở thành một công cụ hữu hiệu giúp bạn tiến bộ tốt hơn trong ngành công nghiệp hoạt hình.

Bằng cách hiểu được sự khác biệt giữa phản hồi mang tính xây dựng và phản hồi mang tính phá hoại, các nhà làm phim hoạt hình có thể học cách rút ra những thông tin có giá trị ngay từ cả những lời phê bình gay gắt nhất.

Bên cạnh việc giúp bạn nâng cao sự kiên nhẫn của mình, áp dụng chiến lược thích hợp trong việc xử lý phản hồi tiêu cực còn góp phần kích hoạt trí thông minh cảm xúc cũng như mang lại cơ hội phát triển cho chính bản thân và con đường sự nghiệp của bạn. Điều này cũng khuyến khích các nhà làm phim hoạt hình trau dồi thêm kỹ năng, học cách thích nghi với các xu hướng mới và cải thiện đường lối kinh doanh của mình một cách hiệu quả hơn. 

11-feedback-animator

Nguồn ảnh: Herzing Blog – Herzing College

Hãy nhớ rằng, mỗi một lời chỉ trích là cơ hội để bạn học hỏi, trưởng thành và trở nên xuất sắc hơn. Nó không chỉ giúp các dự án thay đổi theo chiều hướng mới mà còn hỗ trợ cho sự thành công của bạn với tư cách là một nhà làm phim hoạt hình cũng như là một người làm kinh doanh.

Vì vậy, lần tới khi đối mặt với những chỉ trích mang tính tiêu cực, hãy dành chút thời gian để xử lý nó, tìm ra điều cốt lõi mang tính xây dựng và sử dụng nó như một bước đệm để biến bạn trở thành một nhà làm phim hoạt hình ưu tú hơn.

Nguồn: Business of Animation

Tâm Cửu