vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức về ngành >Top 5 phim hoạt hình đáng xem nhất do Netflix sản xuất

Top 5 phim hoạt hình đáng xem nhất do Netflix sản xuất

Trong vòng chưa đến nửa thập kỷ, Netflix đã trình làng không ít phim hoạt hình độc đáo về nội dung lẫn hình ảnh, thổi thêm không chỉ một mà nhiều làn gió mới vào nền công nghiệp này.

Từ 2013, Netflix đã bắt đầu sản xuất những dự án hoạt hình gốc nhưng hầu hết đều giao cho bên thứ ba thực hiện. Chỉ từ cuối 2018, ông lớn streaming này mới chính thức thành lập nhãn con Netflix Animation và tuyên bố sẽ thực hiện những dự án sản xuất in-house (nội bộ), với mục tiêu là phát hành 6 dự án một năm. Từ sau tuyên bố đầy tham vọng đó, Netflix đã hoàn thành sản xuất và đồng sản xuất tổng cộng hơn 20 dự án lớn nhỏ.

Dù “sinh sau đẻ muộn”, phim hoạt hình gốc của Netflix nhanh chóng gặt hái những thành tích đáng nể nhờ chính sách hợp tác với nhiều hãng phim và các studio lớn nhỏ trên khắp thế giới, tạo ra các tác phẩm đa thể loại. Nhiều nhà sáng tạo cho rằng ở Netflix họ đã tìm thấy bến đỗ mới cho những ý tưởng không có cơ hội được hiện thực hoá ở các xưởng phim khác. Ta dường như chưa thể định hình “vibe” chủ yếu của Netflix là gì ngoài “sự đa dạng”, với mỗi tác phẩm thường là một chủ đề và phong cách mới đi kèm thử nghiệm hoạt hoạ đặc sắc, tiêu biểu là 5 cái tên trong danh sách những phim hoạt hình do Netflix sản xuất đáng xem nhất dưới đây.

Klaus (2019) – Đưa hoạt hình 2D tiến đến tương lai

Klaus là một người làm đồ chơi thủ công sống trong căn nhà biệt lập bên rìa thị trấn đảo Smeerensburg. Trong khi đó, Jesper Johansson là viên bưu tá lười biếng bị người bố Cục trưởng Bưu chính đẩy đến thị trấn xa xôi này với nhiệm vụ phải chuyển phát đủ 6.000 bức thư trong một năm nếu không muốn mất quyền thừa kế gia sản. Cuộc gặp gỡ giữa Jesper và Klaus mở ra một “phi vụ tử tế” bí mật với hàng tá đồ chơi được phân phát đến những đứa trẻ trên đảo, hé lộ quá khứ của Klaus và nuôi dưỡng thứ tình cảm với đảo nhỏ đã tự nhiên bén rễ trong lòng viên bưu tá ương ngạnh.

Những bộ phim lấy đề tài nguồn gốc của Ông già Noel không mới, nhưng Klaus vẫn dễ dàng chinh phục khán giả đại chúng lẫn giới phê bình nhờ thông điệp nhân văn về tình người, hoà bình và sự sẻ chia được truyền tải thật sự nhuần nhuyễn. Dễ xem nhưng không hề nông cạn, Klaus đã trở thành tác phẩm hoạt hình kinh điển mới cho mùa lễ hội kể từ khi ra mắt năm 2019.


Tươi sáng, nhân văn, Klaus mang đến câu chuyện ấm áp cho tất cả mọi người. (Nguồn ảnh: Klaus)

Ngoài việc phủ lớp áo mới cho một nhân vật cổ tích thân thuộc, điều khiến khán giả trầm trồ nhất ở Klaus là những khung hình đẹp tựa sách tranh. Bộ phim hoạt hình 2D này không sử dụng kỹ thuật Cell-shading truyền thống (tức tô những mảng ánh sáng và bóng tối phẳng lên nhân vật, vô hình trung khiến họ trông như miếng dán trên nền phong cảnh) mà phát triển công cụ độc quyền cho phép các hoạ sĩ, chuyên gia ánh sáng được tùy chỉnh từng khung cảnh, tập trung nhiều hơn vào nguồn sáng thể tích và cách sắp đặt ánh sáng để tạo nên những hình ảnh tiệm cận 3D. Có thể nói nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh đầy ấn tượng của Klaus đã mang đến làn sóng phấn khích mới cho mảng hoạt hình.


Klaus có những khung hình đẹp như mơ. (Nguồn ảnh: Klaus)

“Tôi không muốn đưa hoạt hình 2D trở lại từ quá khứ để thị uy phim hoạt hình 3D, tôi chỉ muốn đưa hoạt hình 2D tiến thẳng đến tương lai.” là lời tuyên bố của đạo diễn Sergio Pablos, người đứng sau thành công của những Tarzan (1999), Rio (2011) và bây giờ là Klaus. Thắng hàng loạt giải tại Annie, BAFTA, và nhận đề cử Oscar cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất, Klaus không chỉ là niềm tự hào của Netflix mà còn được đánh giá là tác phẩm mang tính cách mạng của nền công nghiệp hoạt hoạ.

Over the Moon (2020) – Thêm một truyền thuyết được khoác áo mới

Hợp tác cùng Pearl Studio ở Trung Quốc, Netflix đã viết lại truyền thuyết Hằng Nga nổi tiếng châu Á trong Over the Moon. Câu chuyện theo chân cô bé Phi Phi vì muốn chứng minh sự tồn tại của Hằng Nga mà đã chế tạo tên lửa bay vào vũ trụ. Nhưng gặp được Hằng Nga không phải tất cả. Tại cung trăng, Phi Phi đã có những trải nghiệm vừa phấn khích vừa đáng sợ, biết được chuyện tình Hằng Nga – Hậu Nghệ và học được cách đồng cảm, chia sẻ và đứng dậy từ nỗi đau mất đi người ta yêu thương.

(Nguồn ảnh: Over The Moon)

Không quá đao to búa lớn, chuyện phim là chuyến hành trình vừa đủ dễ thương cũng vừa đủ kịch tính. Đặc biệt, bàn tiệc âm nhạc đồ sộ trong phim đủ làm say lòng phần đông khán giả với các ca khúc đa thể loại được trình diễn trên phông nền cung trăng rực rỡ. Được cầm trịch bởi Glen Keane – nhà thiết kế nhân vật của các phim Disney kinh điển như Beauty and the Beast và Aladdin, Over the Moon gây ấn tượng ở dàn nhân vật tràn đầy năng lượng rất phù hợp với thể loại viễn tưởng. Phim được đề cử ở nhiều lễ trao giải danh giá, bao gồm Oscar, nhờ cốt truyện giản dị được kể đúng cách. Như kí giả Deburge của tờ Variety nhận xét: “Đôi lúc, một cuộc phiêu lưu chỉ nên là cuộc phiêu lưu”, và Over the Moon đáp ứng đủ tiêu chí của một tác phẩm tròn trịa, đáng xem. 

Cốt truyện nhẹ nhàng, hình ảnh bắt mắt tạo nên một Over the Moon tròn trịa. (Nguồn ảnh: Over The Moon)

Love, Death & Robots (2019-2022) – Sự hỗn loạn đầy nghệ thuật

Love, Death & Robots là tuyển tập những câu chuyện riêng lẻ, mỗi chuyện tương ứng với một tập phim thời lượng dưới 20 phút và liên quan đến ít nhất một điều trong tiêu đề. Mỗi tập phim có thể được sản xuất dưới tay một xưởng phim khác nhau, đến từ nhiều quốc gia, tạo nên sự đa dạng về phong cách và nội dung ngay trong cùng một loạt phim. Từ lãng mạn, sến sẩm đến trinh thám, kinh dị kết hợp với hài hước và hành động viễn tưởng, loạt phim này đã phô diễn một sự hỗn loạn lắm lúc khó hiểu nhưng cũng đầy tính nghệ thuật.

Một tuyển tập độc đáo hiếm có trong nền công nghiệp phim hoạt hình. (Nguồn ảnh: Love, Death & Robots)

Được phân loại là phim hoạt hình dành cho người trưởng thành, xuyên suốt 3 mùa phim, Love, Death & Robots khắc hoạ một thế giới rối ren, tràn ngập thống khổ nhưng cũng ăm ắp thơ mộng. Bối cảnh hậu tận thế, đa chủng tộc, tương lai với robot được khai thác nhiều, và mỗi lát cắt là một cú twist cảm xúc khiến người xem ít nhiều ngẫm nghĩ về nhân tính, cuộc đời, và thế giới.

Với hướng phát triển kiểu tuyển tập, không chỉ nội dung mà phong cách hoạt hình của Love, Death & Robots cũng phong phú, bao gồm cả 2D, 3D, live-action tuỳ tập, nhưng đều mang màu sắc chủ đạo phù hợp với thế giới phản địa đàng. Tác phẩm đã 2 lần nhận giải Phim hoạt hình ngắn xuất sắc tại Emmy bên cạnh các giải riêng cho phần âm nhạc, hình ảnh.

(Nguồn ảnh: Love, Death & Robots)

Maya and the Three (2021) – Hành trình đậm tính sử thi

Trong ngày sinh nhật thứ 15 của công chúa Maya, vương quốc Teca đối mặt mối nguy lớn khi các vị thần m giới xuất hiện và yêu cầu hiến tế cô cho Thần Chiến tranh, nếu không sẽ giáng tai ương xuống tất cả. Buộc phải đứng lên vì chính mình và quê hương, Maya bắt đầu hành trình thực hiện lời tiên tri đi tìm ba chiến binh huyền thoại khác để đánh bại các vị ác thần và giải cứu thế giới.

(Nguồn ảnh: Maya and the Three)

Lấy bối cảnh giả tưởng một thế giới giả tưởng dựa trên nền văn hóa thổ dân và Trung Bộ châu Mỹ kết hợp cùng mô tuýp phiêu lưu giải cứu thế giới quen thuộc, Maya and the Three không phải là một tác phẩm quá độc đáo về mặt ý tưởng. Bộ phim ghi điểm nhờ tình tiết cuốn hút, phát triển hợp lý giúp khán giả dễ tìm được liên kết cảm xúc với nhân vật. Đặc biệt, thiết kế nhân vật tươi sáng, đậm chất sử thi nổi bật trên phông nền chiến trận, thiên nhiên hoành tráng đã biến những trường đoạn hành động của phim thành màn trình diễn mãn nhãn. Maya and the Three được vinh danh ở hạng mục Series hoạt hình dành cho trẻ em xuất sắc tại lễ trao giải Annie 2022.

Dàn nhân vật sinh động của Maya and the Three. (Nguồn ảnh: Maya and the Three)

The House (2022) – Sức hút lạ thường từ sự quái dị

Trong chưa đến 100 phút, The House mang đến 3 câu chuyện về 3 thế hệ chủ nhân của một ngôi nhà. Ba thế hệ sống ở ba thời đại khác nhau và thậm chí không cùng chủng loài, lần lượt là người, chuột, và mèo. Họ đều chuyển vào ngôi nhà với hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, để rồi dường như bị khối kiến trúc ma quái này ám ảnh đến mức đánh mất bản thân. The House khiến người ta phải tự hỏi liệu chủ nhân là kẻ sở hữu căn nhà hay căn nhà nắm quyền điều khiển tâm trí kẻ trú ngụ nơi nó.

(Nguồn ảnh: The House)

Không khó để nhanh chóng cảm nhận bầu không khí kỳ quái không hề tươi sáng ngay từ những thước phim đầu tiên của The House. Phim dùng công nghệ stop-motion, màu phim tối nhiều hơn sáng. Thiết kế nhân vật của The House cũng mang cảm giác dị thường, từ con người trông như con rối đến loài chuột đôi mắt đảo điên khiến người ta nhìn lần đầu thấy dễ thương, nhìn nhiều lần lại bất an. Tất thảy đều phù hợp với một câu chuyện cũng dị thường không kém, với nhiều ngột ngạt và quằn quại cùng những bài học đắt giá.

(Nguồn ảnh: The House)

The House được nhận xét là u tối nhưng cuốn hút một cách lạ kỳ. Nhiều cây bút cho rằng đã khá lâu từ Coraline (2016), khán giả mới lại được thưởng thức một tựa phim quái dị một cách lôi cuốn như vậy. Hẳn nhiên, nó không phải một phim dễ xem và không thiếu những khung hình khiến người ta thở dốc hay khó chịu, nhưng là một trải nghiệm đáng thử nếu bạn đang cần chút kích thích trên bàn tiệc phim ảnh của mình.

Thuy Le (Tổng hợp)