vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >Bản sắc riêng của hoạt hình phương Tây và phương Đông
hoat-hinh-thumb

Bản sắc riêng của hoạt hình phương Tây và phương Đông

Khi đặt hoạt hình phương Tây và phương Đông lên bàn cân, bạn sẽ cần đến hai lăng kính khác nhau để nhìn rõ lối kể chuyện, lịch sử hình thành và di sản văn hóa của mỗi trường phái.

Thế giới hoạt hình, nơi không đặt ra bất kỳ quy chuẩn nào cho sự sáng tạo, đang được phân chia thành hai địa hạt phổ biến là hoạt hình phương Đông (chủ yếu anime) và hoạt hình phương Tây. Mỗi bên một nét đẹp riêng – đặc sắc khi oanh tạc ở lãnh thổ của mình và quyến rũ hơn khi kết hợp cùng nhau. 

Nguồn ảnh: Budapest Reporter

Nếu bạn là một nhà sáng tạo ấp ủ niềm đam mê dành cho hoạt hình thì việc thấu hiểu những điểm khác biệt này sẽ giúp bạn đưa ra nhận định và đánh giá khách quan cho cách xây dựng cốt truyện, phong cách và sắc thái văn hóa của từng lĩnh vực.

Trong phần khám phá này, chúng ta sẽ cùng so sánh về mặt thẩm mỹ, cách tiếp cận câu chuyện, nhận thức của khán giả và kỹ thuật sản xuất đặc trưng cho cả phong cách hoạt hình phương Tây và phương Đông.

Nguồn ảnh: AdrianAnt TV

Sự quyến rũ trong phong cách hoạt hình: Khác biệt về tính thẩm mỹ 

Sự khác biệt nổi bật giữa hoạt hình phương Tây và phương Đông là phong cách thẩm mỹ của chúng. Hoạt hình phương Tây đặc trưng ở sự chuyển động mượt mà và nhân vật chân thực, cũng như thường phản ánh chủ nghĩa hiện thực một cách rõ ràng nhất. Các hãng phim như Disney và Pixar là minh chứng tiêu biểu cho khuynh hướng thẩm mỹ này, với hàng loạt nhân vật giàu cảm xúc và bối cảnh đặc biệt hút hồn người xem.

Hãy nhớ về những phong cảnh đẹp mê ly trong Frozen, thị trấn bình dị trong Coco hay đô thị tương lai mang âm hưởng retro trong Big Hero 6. Tất cả những concept này đều cùng hướng đến một trường phái chung gọi là chủ nghĩa hiện thực. Điều này được thể hiện từ các nhân vật với độ chính xác cao về mặt giải phẫu đến bối cảnh chi tiết phản chiếu lại y hệt thế giới của chúng ta.

Mặt khác, hoạt hình phương Đông, chủ yếu hoạt hình Nhật Bản, lại có xu hướng cách điệu hơn, thể hiện qua các đặc điểm nhân vật được phóng đại cùng bảng màu trông rất thi vị. Chẳng hạn, cách xây dựng bối cảnh đầy quyến rũ của Studio Ghibli có thể đưa người xem đến với những khung trời bát ngát, tỉ mẩn nhưng không mất đi sự kỳ ảo, đồng thời đọng lại đâu đó một chút hoài niệm, thân thương.

Nguồn ảnh: POPS Kids

Phong cách kể chuyện: Lồng ghép các giá trị văn hóa 

Hoạt hình phương Tây và phương Đông không chỉ khác nhau về hình ảnh mà còn về lối kể chuyện của chúng. Hoạt hình phương Tây thường có cấu trúc xoay quanh cuộc hành trình của một “anh hùng”, đi kèm bối cảnh nơi các nhân vật vượt qua khó khăn và dần trưởng thành theo hướng tích cực hơn.

Cốt truyện này thường mang đến giá trị nhân văn và kết thúc bằng một tình tiết tươi sáng để phù hợp với thị hiếu về cái kết có hậu. Từ Toy Story đến Finding Nemo, hoạt hình phương Tây sử dụng motif này để tạo ra những câu chuyện giàu cảm xúc và gây được tiếng vang với khán giả của mình.

Ngược lại, hoạt hình phương Đông, đặc biệt là anime, đào sâu vào nhiều phương diện hơn, từ các vấn đề an sinh phức tạp như trong Death Note và Psycho-Pass, thuyết hiện sinh trong Neon Genesis Evangelion đến sự phát triển nhân vật đầy phức tạp trong Naruto… Anime thực sự gửi gắm rất nhiều câu chuyện.

Từng tác phẩm có thể kích thích tư duy, gợi lên nhiều cung bậc cảm xúc nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo một kết thúc có hậu. Điều này phản ánh thực tế với bản chất phức tạp của cuộc sống ngày nay.

Finding Nemo. Nguồn ảnh: Rolling Stone

Cảm nghĩ và cách tiếp cận của khán giả

Khán giả cũng là một yếu tố làm nên sự khác biệt giữa hoạt hình phương Tây và phương Đông. Từ cổ chí kim, hoạt hình phương Tây được xem là phương tiện trò giải trí dành cho trẻ em, với các tác phẩm thịnh hành như The Lion King, Incredibles và Moana,… Tất cả đều hướng đến tệp khán giả nhỏ tuổi.

Tuy nhiên, những năm gần đây đã có sự thay đổi lớn. Chẳng hạn, các bộ phim hoạt hình như Rick and Morty và BoJack Horseman đều cố gắng tiếp cận nhóm người xem trưởng thành, từ đó mở rộng phạm vi tiếp cận của hoạt hình phương Tây.

Mặt khác, hoạt hình phương Đông có cách tiếp cận khán giả ở nhiều phân khúc hơn. Ví dụ, ngành công nghiệp anime được phân ra thành nhiều thể loại: từ hoạt hình dành cho trẻ em (Kodomo), hoạt hình cho thanh thiếu niên (Shōnen và Shōjo), đến các chủ đề dành cho người trưởng thành (Seinen và Josei).

Tính toàn diện này cho phép nhiều độ tuổi thưởng thức và đánh giá cao anime, cũng như phản ánh tiềm năng kể chuyện đa dạng của phong cách hoạt hình này.

Rick and Morty. Nguồn ảnh: IMDb

Quá trình sản xuất đằng sau hoạt hình phương Tây và phương Đông

Từ kỹ thuật sản xuất đến lịch trình đăng tải, ngành công nghiệp hoạt hình phương Tây và phương Đông hoạt động hoàn toàn khác nhau. Hoạt hình phương Tây, với kinh phí lớn và thời gian sản xuất dài, tập trung vào việc tạo ra hoạt hình chất lượng cao và chú trọng đến từng chi tiết. Các hãng phim như Disney và Pixar đã dành nhiều năm nghiên cứu, phát triển và sản xuất rồi mới thả xích câu chuyện đến với hàng triệu con người.

Ngược lại, anime – đại diện của hoạt hình phương Đông – thường hoạt động theo lịch trình và ngân sách chặt chẽ hơn. Ngành công nghiệp này thường xuyên sử dụng các kỹ thuật như Limited Animation (phương pháp hoạt hoạ sử dụng hoàn toàn key-frame và không có có khung hình nối giữa) để thúc đẩy tiến trình sáng tạo nhanh hơn. Bất chấp mọi khó khăn trong quá trình sản xuất, các hãng phim hoạt hình phương Đông không chỉ sở hữu sự trau chuốt về mặt hình ảnh mà còn phức tạp theo từng chủ đề. Điều này thể hiện sự tháo vát và cống hiến của những bộ óc làm ra chúng.

Nguồn ảnh: DeviantArt

Ảnh hưởng mang tính lịch sử: Nguồn gốc và sự phát triển của từng loại hoạt hình

Lịch sử hoạt hình ở các khu vực phương Tây và phương Đông đều được hình thành một cách rất riêng và độc đáo. Hoạt hình phương Tây bắt nguồn từ đầu thế kỷ 20, với những người tiên phong như Walt Disney và Warner Brothers.

Cụ thể, Steamboat Willie của Disney giới thiệu sự xuất hiện của âm thanh đồng bộ (âm thanh phù hợp với hình ảnh trình chiếu) , trong khi Snow White and the Seven Dwarfs tiên phong cho các bộ phim hoạt hình 90 phút,… Những cột mốc quan trọng này đã góp phần tạo nên sự sống động và thành công của hoạt hình phương Tây ngày nay.

Mặt khác, hoạt hình phương Đông bắt đầu phát triển sau Thế chiến thứ II, với tác phẩm của Osamu Tezuka, thường được ca ngợi là Cha đẻ của manga và anime. Phong cách kể chuyện và nghệ thuật sáng tạo của Tezuka đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt hình Nhật Bản. Cụ thể, tác phẩm Astro Boy vào những năm 60 của ông đã mở đường cho sự phát triển và sức hấp dẫn toàn cầu của ngành công nghiệp anime.

Astro Boy. Nguồn ảnh: TV Insider

Biểu hiện nghệ thuật: Chủ nghĩa tượng trưng trong hoạt hình phương Tây và phương Đông

Chủ nghĩa tượng trưng là một trào lưu hoặc phong cách nghệ thuật được phát triển trong thơ ca và các tác phẩm hội họa từ giữa thế kỷ 19. Chủ nghĩa tượng trưng sử dụng các biểu tượng và hình ảnh để diễn đạt một quan niệm, ý tưởng, thông điệp hoặc phẩm chất nào đó.  

Chủ nghĩa tượng trưng là một phần không thể thiếu khi thảo luận về hoạt hình phương Tây và phương Đông. Hoạt hình phương Tây thường sử dụng các biểu tượng, hình ảnh mà khán giả dễ dàng nhận ra. Đơn cử như quả táo trong Snow White and the Seven Dwarfs, chi tiết này được đem vào câu chuyện để gửi gắm những thông điệp hoặc bài học cụ thể đến với người xem.

Trong khi đó, hoạt hình phương Đông, cụ thể là anime, nổi tiếng với việc sử dụng biểu tượng một cách tinh tế và sâu sắc. Từ những bông hoa anh đào tượng trưng cho bản chất phù du của cuộc sống đến loạt hình ảnh ẩn dụ đầy phức tạp được thể hiện trong các bộ phim như Spirited Away hay Akira. Nói cách khác, hoạt hình phương Đông lồng ghép chủ nghĩa tượng trưng vào trong từng thước phim một cách công phu, nhằm đưa khán giả đi sâu hơn vào trong bản chất mà câu chuyện mong muốn truyền tải.

Nguồn ảnh: Disney

Tác động của hoạt hình phương Tây và phương Đông đối với nhau

Khi quan sát một cách tổng thể, ta không thể không nhìn nhận sự ảnh hưởng mà hai trường phái hoạt hình đang tạo ra cho nhau. Đại diện cho hoạt hình phương Tây, loạt phim Avatar: The Last Airbender, là ví dụ điển hình cho thấy sự kết hợp trong phong cách kể chuyện truyền thống của hoạt hình phương Tây và tính thẩm mỹ được lấy cảm hứng từ anime. 

Tương tự, hoạt hình phương Đông cũng bị ảnh hưởng bởi phương Tây. Các chương trình như Panty & Stocking with Garterbelt hoặc Heroman đều chứng kiến sự tác động mồn một từ phương Tây trong phong cách hoạt hình lẫn cấu trúc tường thuật. Ảnh hưởng đa văn hóa này khiến cho ngành công nghiệp hoạt hình trở nên phong phú và “màu mỡ” hơn, từ đó thúc đẩy sự đa dạng sáng tạo và thị hiếu toàn cầu đối với loại hình nghệ thuật này.

Avatar: The Last Airbender. Nguồn ảnh: Netflix

Tôn vinh sự đa dạng trong hoạt hình phương Tây và phương Đông

Mặc dù hoạt hình phương Tây và phương Đông có sự khác nhau rõ rệt về phong cách thẩm mỹ, lối dẫn chuyện, cách tiếp cận khán giả và quá trình sản xuất, nhưng nhìn chung, cả hai hình thức đều mang đến những đóng góp vĩ đại cho sự phát triển của hoạt hình ngày nay.

Việc tôn vinh và đánh giá cao sự khác biệt giữa hai trường phái hoạt hình có thể giúp ta khám phá được nhiều loại kỹ thuật, phong cách cũng như ý tưởng kể chuyện mang tính đột phá và hấp dẫn hơn. 

Sau cùng, hoạt hình vẫn luôn là một ngôn ngữ phổ quát vượt qua mọi tiêu chuẩn và ranh giới văn hóa, dù chúng được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào.

Nguồn: Business of Animation
Tâm Cửu