About The Speaker
Đặng Thị Mỹ Phượng
Chị Phượng có hơn 13 năm kinh nghiệm làm việc tại SPARX* - A Virtous Studio và từng đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như 3D Modeler, Lighting Leader, Team Leader. Chị đã góp mặt vào nhiều dự án bom tấn trong vai trò của người Leader Lighting, điển hình là TV Series Star Wars: Rebels, A Fool’s Hope, Legacy of Mandalore, Family Reunion - and Farewell, Legends of the Lasat,...
Nhân sự lĩnh vực Kỹ xảo điện ảnh (VFX) được biết đến với sự vượt trội của nam giới. Tuy nhiên, điều này liệu có đúng với thị trường VFX hiện nay? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ chân thật và thú vị về thế giới VFX qua góc nhìn của chị Đặng Thị Mỹ Phượng – Leader nhóm Lighting tại SPARX* – A Virtous Studio.
Theo chị, sự phát triển của VFX tại thị trường Việt Nam hiện nay có gì khác biệt so với giai đoạn trước đây?
Thị trường VFX Việt Nam hiện nay dần xuất hiện nhiều điểm sáng, các công ty đã bắt đầu chịu chi để thực hiện VFX cho các bộ phim mặc dù số lượng vẫn còn khá ít. Cách đây 10 hay 15 năm để có một bộ phim Việt được đầu tư kỹ xảo đúng nghĩa là một điều rất khó.
Hiện nay, nhiều công ty ngày càng mở rộng các dự án, họ không những làm về phim mà còn làm về game, làm gia công cho nước ngoài. Vì thế, thị trường ngày càng mở rộng, các bạn trẻ cũng có nhiều nơi để học hỏi và nâng cao năng lực bản thân hơn rất nhiều so với trước đây. Trên cơ sở đó, thị trường VFX Việt Nam ngày càng phát triển và thu hút được nhiều bản trẻ.
Với những người không tìm hiểu về VFX thì họ cho rằng nhân sự Việt Nam không đủ đáp ứng yêu cầu làm ra những phân cảnh VFX chất lượng. Vậy chị đánh giá thế nào về nguồn nhân sự VFX thị trường Việt Nam hiện nay?
Tại thị trường nước ngoài, thời gian thực hiện một bộ phim có thể kéo dài từ 2 đến 3 năm, trong trường hợp rút ngắn thời gian, họ sẽ tiến hành xây dựng đội ngũ thực hiện VFX với hàng trăm con người đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, phim Việt được đầu tư với kinh phí lớn dường như là không có. Thời gian thực hiện một bộ phim chỉ kéo dài trong khoảng 6 tháng, thậm chí là 3 tháng. Điều này dẫn đến việc không có đủ thời gian để tạo ra những phân cảnh VFX chỉn chu và đẹp mắt nhất có thể, bởi lẽ việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, mức độ đầu tư trong các phim Việt hiện nay vẫn ở giai đoạn rất sơ khởi, chỉ có một vài dự án khá hay và đã bắt đầu chịu khó thực hiện VFX. Cách đây khoảng 10 năm chỉ cần đưa ra chi phí cho việc thực hiện VFX trong một bộ phim thì hầu hết đều bị từ chối.
Khó khăn đối với thế hệ VFX Việt Nam hiện nay không phải là không làm được mà là thiếu nguồn đầu tư về kinh phí. Bởi lẽ, để thực hiện những phân cảnh VFX dù chỉ trong vài giây cũng phải đòi hỏi rất lớn về chất lượng của trang thiết bị. Nếu mình có đủ thời gian, tìm được nhà đầu tư phù hợp và chỉnh chu về hệ thống thì vẫn có khả năng thực hiện những bộ phim với chất lượng rất tốt.
Qua những trải nghiệm của chị trong lĩnh vực này, chị nhận thấy có nhiều nhân sự hoặc du học sinh từ những thị trường phát triển hơn về Việt Nam làm việc hay không?
Tại sao mình không nghĩ rằng có nhiều người Việt Nam ra nước ngoài làm việc và cũng có nhiều studio Việt Nam xuất hiện người nước ngoài về dạy lại cho người Việt, thậm chí trở thành nhân viên tại Việt Nam. Nếu so sánh giữa hai thị trường thì khá khập khiễng, vì VFX tại Việt Nam chỉ mới phát triển.
Tuy nhiên, các bạn trẻ Việt Nam thật sự rất giỏi, họ đã thực hiện nhiều dự án cho thị trường nước ngoài. Điều này chứng tỏ chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay đã đạt tầm quốc tế, vì thế họ mới tin tưởng giao những dự án đó cho chúng ta thực hiện.
Trên thực tế, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để Việt Nam có thể đuổi kịp nước ngoài, tuy nhiên với sự phát triển ngày càng nhanh của thị trường VFX Việt Nam thì việc này sẽ sớm có thể đạt được. Thời điểm mà khoảng cách giữa Việt Nam và quốc tế được rút ngắn lại sẽ không còn xa nữa.
Trong suốt 13 năm làm việc, đâu là dự án mà chị tâm đắc nhất và mang đến cho chị nhiều bài học nhất?
Tất cả dự án đều là đứa con tinh thần của mình, sau khi nhìn lại mình đều rất thích. Mỗi dự án trong quá trình thực hiện sẽ có những lúc đau đớn, mệt mỏi nhưng đều mang lại cho bản thân nhiều trải nghiệm quý giá, từ tích cực đến tiêu cực. Đó đều là một kỷ niệm, một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành trong quá trình làm việc của chính mình.
Chị đã từng thực hiện một dự án mà khách hàng yêu cầu chất lượng rất cao. Thời điểm đó, cơ sở vật chất không đủ đáp ứng, cả đội phải liên tục thay đổi và tối ưu hóa mọi thứ để đạt được kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, VFX gần như là giai đoạn cuối cùng trong quá trình làm phim, mình phải sửa chữa cả phần lỗi của các giai đoạn phía trước, cố gắng đảm bảo tiến độ của dự án, do đó việc bỏ bữa hay thức khuya là điều không thể tránh khỏi.
Lúc hoàn tất dự án, mọi người đều rã rời nhưng vô cùng thỏa mãn, vì đối với các VFX Artist, việc được nhìn thấy tên mình trong phần credit của các dự án là một cảm giác thật sự hạnh phúc.
Với vai trò Team Leader, cách mà chị vận hành team sẽ diễn ra như thế nào?
Trong công ty chị hiện nay, các bạn nữ tham gia vào nhiều vai trò khác nhau như: Layout, Modelling, Animation, Lighting,… Không giống với các ngành nghề cố định về mặt thời gian, khi lựa chọn làm việc trong lĩnh vực này mình phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng học tập và đầu tư nhiều sức lực cho công việc.
Giai đoạn đầu xây dựng đội nhóm gặp khá nhiều khó khăn, nhiều vấn đề rắc rối nảy sinh. Tuy nhiên, càng về sau lại càng ổn định, mọi người đều theo tinh thần làm hết sức, chơi hết mình để thả lỏng bản thân và cân bằng cuộc sống. Hiện tại, bên công ty chị cũng xây dựng nhiều hệ thống hỗ trợ nhân viên với mục đích tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm.
Trên thực tế, những người tiên phong đều đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách, tuy vậy, càng về sau trở ngại càng ít dần vì bản thân đã có nhiều kinh nghiệm từ các dự án trước đây. Do đó, câu chuyện thức đến tận 1 hay 2 giờ sáng để làm việc dần trở nên ít hơn.
Chị nghĩ các bạn nữ nên thử sức với công việc này nếu các bạn có đam mê hoặc cảm thấy hứng thú. Bởi lẽ, bất kỳ việc gì cũng phải thử thì mới biết có phù hợp hay không. Thử sức cũng chính là cách mà bạn cho bản thân một cơ hội, biết đâu được khi dấn thân vào lĩnh vực này bạn sẽ tỏa sáng và trở thành một nhân tài.
Vậy thì ở giai đoạn đầu bước chân vào ngành, khi đó không có quá nhiều trường đào tạo, làm thế nào để chị có thể tìm tòi, học hỏi và trau dồi kiến thức?
Chị rất may mắn khi có cơ hội làm việc tại SPARX*, đây là môi trường rất chú trọng về mặt kiến thức và công việc đào tạo. Công ty mở rất nhiều khóa học, hầu hết kiến thức chị tiếp nhận được đều thông qua quá trình đào tạo của công ty và những lần chia sẻ kinh nghiệm của những người anh, chị trong ngành.
Thời điểm đấy thật sự rất khó tìm được môi trường đào tạo chuyên sâu về VFX như Học viện MAAC hiện nay. Hơn nữa, phần mềm sử dụng chủ yếu là 3ds Max, hầu như không có Maya, lần đầu chị được học Maya là tại SPARX*. Sau đó, chị bắt đầu tự học trên mạng hoặc công ty mua các khóa học trực tuyến và mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo cho nhân viên. Bên cạnh đó, còn có thêm các khóa chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các studio với nhau.
Chị có những lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ khi quyết định theo đuổi lĩnh vực VFX?
Kỹ năng làm việc nhóm là một ưu điểm khi làm việc trong lĩnh vực VFX, vì mình phải thường xuyên làm cùng mọi người, trao đổi và bàn luận với sếp, không có dự án nào chỉ được thực hiện bởi một người. Tiếp theo là phải có đam mê, vì bản chất của của công việc này rất mệt và phức tạp, chỉ khi có đam mê mình mới sẵn sàng dấn thân và chịu trách nhiệm với công việc.
Cám ơn những chia sẻ chân thành của chị Mỹ Phượng. Chúc chị luôn thành công và đạt được những cột mốc quan trọng trong bản đồ dự định của bản thân.