vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>BadClay >SWEET HOME – KHI KỸ XẢO VIỆT VƯƠN TẦM QUỐC TẾ

SWEET HOME – KHI KỸ XẢO VIỆT VƯƠN TẦM QUỐC TẾ

 

Ứng dụng hệ màu ACES vào toàn bộ quy trình thực hiện VFX cho hơn 60 shot kỹ xảo, Bad Clay Studio đã tạo nên những shot phim đầy ấn tượng trong series Netflix SWEET HOME. Không chỉ khiến các fan webtoon mê mẩn phiên bản live-action mà đến bạn bè quốc tế cũng phải ngạc nhiên với những dòng tên người Việt thực hiện hậu kỳ trên credit bom tấn xứ Hàn.

 

TỪNG BƯỚC NÂNG TẦM CHẤT LƯỢNG KỸ XẢO QUA CÁC DỰ ÁN QUỐC TẾ

Bom tấn kinh dị Sweet Home – series gốc của Netflix dựa trên Webtoon nổi tiếng xứ Hàn với lượng shot kỹ xảo thuộc “hạng nặng” được các nhà đầu tư tin tưởng giao trọng trách xử lý hậu kỳ cho nhiều Studio trên khắp châu Á. Riêng tại Việt Nam có Bad Clay Studio, CYCLO, OPIM Digital, The May,… cùng tham gia dự án này.

Bad Clay bắt đầu nhận dự án vào đầu năm 2020 và hoàn thành vào cuối tháng 8/2020 với hơn 60 shot trải dài trong 5 tập phim (Nguồn ảnh: Netflix)

 

Anh Thierry Nguyễn – VFX Supervisor cho biết: “Đây là dự án đầu tiên Bad Clay tham gia trực tiếp với Netflix. Thách thức lớn nhất nằm ở hình ảnh các shot đòi hỏi chất lượng cao và thời gian kết xuất cực kỳ dài. Bad Clay phải dùng đến render farm(1) ở nước ngoài để kết xuất hình ảnh, tổng thời lượng cho một frame có khi lên đến hơn 8 tiếng. Tuy nhiên, dự án này được chuẩn bị kỹ càng và có Scope of work (SOW)(2) rõ ràng nên trong thời gian được quy định, Bad Clay vẫn hoàn thành đúng tiến độ.”

Anh Thierry Nguyễn – Owner/VFX Supervisor tại Bad Clay Studio

 

Anh Tín Nguyễn – CG Supervisor tiết lộ: “Đây là dự án đầu tiên Bad Clay sử dụng hệ màu ACES(3) vào toàn bộ quy trình. Team đối mặt với workflow hơi khác so với các dự án đã từng làm trước đây. Thông thường, mọi người sẽ dùng đến linear workflow, từ 2022 trở đi, viewport(4) của Maya cũng sẽ thay thế bằng ACES. Cho nên dự án này từ khâu Texture (Làm vật liệu) đến khâu Compositing (Hậu kỳ) đều chạy theo ACES pipeline.”

Anh Tín Nguyễn – CG Supervisor tại Bad Clay Studio

 

Cũng là một trong những Freelancer tham gia vào dự án Sweet Home với Bad Clay, anh Giáp Võ – Giám đốc Đào tạo Học viện MAAC kể lại kỉ niệm không thể quên của mình:

Trong phim có con quái vật mang tên Baby Monster, đó là chiếc bào thai được biến hình từ người phụ nữ mất con. Theo bản vẽ concept của anh Lê Nguyễn Quang Nhật được gửi đến, có rất nhiều sợi dây trên bào thai rối như tơ nhện. Để làm diễn hoạt cho shot này không thể chỉ làm Rigging (Gắn khung xương) mà phải làm Simulation (Giả lập chuyển động vật lý).

Tuy nhiên, yêu cầu chỉ được làm Rigging trong khoảng thời gian khá ngắn từ 3-5 ngày, mình chợt nghĩ nếu chỉ Rigging với số lượng lớn dây thì bạn làm Animation (Diễn hoạt) chắc “ghiền” luôn, nên ban đầu mình từ chối ngay.

Sau đó, Bad Clay có phản hồi lại chỉ làm 12 sợi dây và làm cho đứa bé bên trong bào thai chuyển động nhẹ. Nhận được brief mới như vậy, mình yên tâm lượng thời gian sẽ đủ để hoàn thành công việc. Và phải đến hơn một năm sau mình mới biết được đây là dự án “triệu đô” Sweet Home.

Anh Giáp Võ – Giám đốc Đào tạo Học viện MAAC

 

Để lý giải cho việc phải Rigging nhân vật Baby Monster mà không dùng đến phương án Simulation, anh Thierry Nguyễn giải thích: “Do bước đầu cần khách hàng lựa chọn và có feedback liên tục nên việc Rigging sẽ giúp cho chúng ta dễ dàng hiệu chỉnh. Khi khách hàng muốn di chuyển một sợi dây nào đó trên nhân vật Baby Monster, hay hiệu chỉnh chuyển động theo ý đạo diễn thì chúng ta không phải làm lại hết các bước. Phương pháp Animation mà Bad Clay ứng dụng là Keyframe truyền thống(5).”

Bên cạnh đó, việc chính những Artist không được biết chính xác tên dự án mình đang tham gia đều có lý do và quy định chung. Đối với mỗi dự án quốc tế, đều phải ký kết văn bản bảo mật thông tin (NDA: Non-Disclosure Agreement). Trong quá trình thực hiện, không được phép tiết lộ bất kỳ thông tin bằng lời nói hay hình ảnh liên quan đến dự án trên các nền tảng social hoặc với bất cứ ai không có phận sự trong dự án đó. Chính vì điều này, Bad Clay chỉ có thể dừng lại ở mức chia sẻ cho Artist hoặc Freelancer hiểu những công việc cần làm là gì, cần mang đến chất lượng và tính hiệu quả ra sao cho dự án đó.

Thông qua những chia sẻ trên, có thể thấy đối với dự án tầm cỡ quốc tế, từ quy trình làm việc đến những yêu cầu từ phía khách hàng đều rất rõ ràng. Điều này giúp Bad Clay xác định chính xác tính quy mô của dự án, những kỹ năng chuyên môn cần có và đảm bảo được thời gian hoàn thiện đúng tiến độ.

 

Các Artist tham gia vào dự án Sweet Home đều có kiến thức chuyên môn sâu, có trình độ nghệ thuật, kỹ thuật tiên tiến và đảm bảo được tính hiệu quả khi làm việc nhóm trong khoảng thời gian nghiêm ngặt.

 

VFX BREAKDOWN SHOT “BABY MONSTER” VÀ CÔNG VIỆC CỦA NGƯỜI LÀM HẬU KỲ

 

Quy trình làm việc của shot “Baby Monster” gồm các bước: Concept Art, Modelling & Animation, FX Simulation, Look Development và Final Composite. Đây cũng là quy trình làm việc chung của giai đoạn hậu kỳ.

 

Concept Art

Thông thường, Bad Clay sẽ thực hiện từ 5-7 phiên bản để khách hàng lựa chọn. Chính vì thế, ngay từ bước đầu cần tìm ra phương án hữu hiệu nhất để khi khách hàng có sự thay đổi sẽ dễ dàng hiệu chỉnh. Đối với Concept Art của shot “Baby Monster”, đây là yêu cầu khá khó vì một nhân vật mang lại cho người xem hai cảm giác trái ngược nhau, phải trông thật đáng sợ đồng thời không thể hiện sự nguy hiểm.


Sau nhiều lần feedback, bản final concept được hoàn thiện. Từ đó, cả khách hàng và Bad Clay sẽ dựa theo concept chung để không bị lệch khỏi yêu cầu ban đầu.

 

Modelling & Animation

Sau khi có Concept Art, bước tiếp theo là Modelling (Tạo mô hình) và Animation (Diễn hoạt). Theo yêu cầu chung, em bé nằm trong bào thai chỉ cần thể hiện được hình dáng tổng thể và có những cử động nhỏ. Chính vì vậy, Bad Clay chỉ cần tập trung vào phần túi ối phía bên ngoài làm thật chi tiết và sống động. Để có thể tạo được sự tự nhiên, phần túi ối bên ngoài được thực hiện Rigging bởi CFX(6) và Animation bằng Keyframe.

 

FX Simulation
Sau khâu Animation là khâu FX Simulation. Đây là khâu tạo chuyển động vật lý cho phần bào thai và những sợi dây chất nhầy.

 

Look Development

Look Development (LookDev) là một trong những khâu giúp cho các hiệu ứng hình ảnh đạt được mức độ tinh tế và chất lượng cao hơn. Sau khi hoàn thành mô hình nhân vật cơ bản, người làm LookDev sẽ đưa mô hình vào phần mềm ZBrush để tạo các chi tiết nhỏ trông thật nhất như những mạch máu hay khối u nhỏ trên bề mặt vật thể.

Thông thường, đối với nhiều loại vật liệu, khi làm Texture thấy gì sẽ Render ra đó. Nhưng đối với vật liệu trong suốt thì không phải vậy, mỗi thông số trong phần mềm bị lệch khoảng 0,01 sẽ kết xuất hình ảnh hoàn toàn khác. Chính vì vậy, đối với nhân vật Baby Monster được làm bằng vật liệu trong suốt, Bad Clay đã rất cẩn thận phân tách nhiều lớp để thực hiện.

Anh Tín Nguyễn chia sẻ thêm rằng: “Khi vẽ Texture sẽ có hai lựa chọn, một là vẽ trong phần mềm Substance Painter, hai là sử dụng phần mềm MARI. Đối với phần mềm Substance Painter, giao diện rất thân thiện và dễ dàng thao tác, tích hợp thêm viewport để người dùng có thể nhìn thấy kết quả. Tuy nhiên, vật liệu trong suốt nhìn trên viewport sẽ không cho ra được kết quả chuẩn xác. Đối với phần mềm MARI có thể xem được hình ảnh chất lượng 4K hay thậm chí là 8K trên viewport. MARI cũng được đánh giá là phần mềm chuyên nghiệp xử lý các vật liệu với độ phân giải lớn và hàng triệu hình khối đa giác để tạo các ký tự hiện đại, bắt mắt cho các video game mới nhất hay các sản phẩm điện ảnh hấp dẫn.”

Trong quá trình thực hiện LookDev, anh Tín Nguyễn còn xây dựng quy trình tạo vật liệu (Material build up workflow), tạo các map trong Render và Shader giúp cho công việc được hệ thống rõ ràng, logic, đạt hiệu suất cao.

 

Final Composite

Sau khi Render xong, bước cuối cùng là Compositing. Đây là bước để hoàn thiện mọi thứ đúng với yêu cầu của khách hàng. Tính chất của công việc Render không thể hiện được những ánh sáng xuất hiện xung quanh nhân vật Baby Monster. Chính vì thế, người làm Compositing sẽ tổng hợp hàng chục lớp hình ảnh, ánh sáng,… để tạo nên shot phim ấn tượng. Vừa mang lại cảm giác ấm áp giống như đứa bé ở trong bụng mẹ vừa có chút cảm giác ghê rợn với người xem.

 

KHI CHẤT LƯỢNG KỸ XẢO VIỆT NAM SÁNH TẦM QUỐC TẾ, NGUỒN NHÂN LỰC NGÀY CÀNG NÂNG CAO

Trong bức tranh tổng quan về thị trường ngành VFX – Animation tại Việt Nam, chỉ trong khoảng 5 năm trở lại, có rất nhiều công ty được thành lập. Cấp bậc Senior tuy thiếu nhưng theo thời gian mỗi công ty đều sẽ có nguồn nhân lực cho cấp bậc này. Riêng cấp bậc Junior lại thiếu rất nhiều vì dự án về ngày một nhiều, chất lượng khách hàng cũng yêu cầu cao hơn.

Lý giải cho hiện tượng này, anh Thierry Nguyễn chia sẻ 3 yêu cầu mà nhiều ứng viên còn thiếu hụt chưa đáp ứng được theo tiêu chí mà Bad Clay đang đặt ra.

1. Pipeline (Quy trình sản xuất)
Đa số lúc học các bạn sinh viên không có nhiều thời gian để đào sâu tìm hiểu rõ Pipeline (Quy trình sản xuất). Có những trường hợp các bạn chỉ biết một chuyên môn Modelling nhưng không biết khâu Model nằm ở giai đoạn nào của một quy trình. Những bạn đã nắm chắc quy trình sẽ tìm được phương pháp làm việc tối ưu cho chính bản thân trong chuyên môn đó, đồng thời hiểu được các vị trí trước và sau mình cần làm gì để phối hợp một cách chặt chẽ. Các dự án của Bad Clay thường là những dự án gấp nên một trong những yếu tố ghi điểm với Bad Clay là các bạn ứng viên nắm được hầu hết quy trình làm việc chung, có ý thức nâng cao kỹ năng chuyên môn và có trách nhiệm.

2. Cân bằng giữa Technical Skills & Artistic Sense
Bên cạnh đó, anh Thierry Nguyễn chia sẻ bí quyết để có một profile ấn tượng với nhà tuyển dụng là khi có được 50% Khả năng về Công nghệ (Technical Skills) và 50% Cảm nhận Nghệ thuật, thẩm mỹ (Artistic Sense). Những ứng viên đáp ứng được yêu cầu này thường ở vị trí LookDev và Rigging mà Bad Clay vẫn luôn “săn tìm”. Đối với một Artist, kỹ năng chuyên môn vô cùng quan trọng và là yếu tố tiên quyết. Tuy nhiên, biết thêm Code lại là một lợi thế lớn giúp Artist đó đạt được hiệu suất công việc cao hơn, sắp xếp công việc một cách logic và tạo ra nhiều tool hỗ trợ công việc như ý muốn.

3. Global Culture (Văn hóa quốc tế)
Có khá nhiều ứng viên thiếu đi trải nghiệm cảm thụ văn hóa và tính thẩm mỹ. Khi nhận bất kỳ feedback nào từ phía khách hàng từ các nước khác, bạn cần phải hiểu: Tại sao sản phẩm của mình chưa đạt yêu cầu?; Tại sao khách hàng lại muốn có thêm ánh sáng và màu sắc này?;… Chính vì thế, xem phim và cảm nhận phim để tăng “Visual Library” là một trong những việc bạn cần bồi dưỡng, trau dồi ngay từ khi vừa bắt đầu tìm hiểu và theo đuổi nghề.

 

Kết

Sweet Home chỉ là một trong rất nhiều dự án quốc tế mà các Studio Việt từng tham gia thực hiện. Để cộng đồng VFX – Animation tại Việt Nam càng thêm vững mạnh, không chỉ một đơn vị mà nhiều đơn vị Studio cần có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Tin chắc rằng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ được nhắc đến nhiều hơn nữa trên bản đồ VFX – Animation thế giới.

 

Các thuật ngữ chuyên ngành sử dụng trong bài:
(1) render farm: là kết nối từ 2 máy tính trở lên lại với nhau để tăng tốc quá trình kết xuất hình ảnh hoặc video, rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả. Càng nhiều máy tính kết nối lại với nhau thì tốc độ render càng nhanh.
(2) Scope of work (SOW): được hiểu nôm na là phạm vi công việc được giao từ lên concept art cho đến hoàn thiện shot.
(3) ACES (Academy Color Encoding System): là hệ thống mã hóa màu đạt tiêu chuẩn toàn cầu nhằm trao đổi các tệp hình ảnh, quản lý quy trình làm việc và lưu trữ.
(4) viewport: vùng nhìn kết quả làm việc trên các phần mềm
(5) Keyframe: là một điểm chốt trên timeline đánh dấu sự bắt đầu hoặc kết thúc của quá trình chuyển đổi các thông số như Position (vị trí), Opacity (độ trong suốt), Scale (phóng to/ thu nhỏ), Rotation (quay), Color (màu sắc),… ở một thời điểm nhất định.
(6) CFX (Creature FX): phát triển các thiết lập mô tóc, lông thú, lông vũ, da, vải,…