vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>BadClay >Bad Clay chia sẻ về ngành VFX tại Việt Nam

Bad Clay chia sẻ về ngành VFX tại Việt Nam

Gặp gỡ anh Thierry Nguyễn trong một chiều giữa tháng 10/2020, chúng tôi đã có những chia sẻ nhanh về ngành VFX tại Việt Nam. Thông qua những chia sẻ, chúng tôi nhen nhóm ý tưởng cho chương trình Roundtable: Vietnam VFX-Animation Industry 2020-2025. Chỉ sau 2 tuần, chương trình được thực hiện và diễn ra với sự tham gia của hơn 13 Studio về VFX, Animation. 

Cùng lắng nghe những chia sẻ của đại diện Bad Clay nói về ngành VFX dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, một người làm nghề có bề dày kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam. 

 

Anh Thierry Nguyễn – Đại diện Bad Clay Studio phát biểu tại chương trình Roundtable: Vietnam VFX-Animation Industry 2020-2025

 

Kinh phí mà phim Việt đầu tư kỹ xảo trong 10 năm trở lại đây như thế nào? Điều gì khiến hàng loạt nhà sản xuất phim tìm đến kỹ xảo điện ảnh thời gian gần đây?

Kinh phí cho Kỹ xảo (VFX) ở Việt Nam hiện nay thực sự thấp so với các sản phẩm nước ngoài. Tuy nhiên, chúng đang tiến triển theo đúng hướng khi các nhà làm phim ngày càng quen thuộc với kỹ xảo và dần đầu tư mạnh tay hơn cho các sản phẩm của mình. 

Kỹ xảo thực sự “đắt” với Việt Nam trong giai đoạn này bởi vì 3 lý do: 

  • Thứ nhất, về nguồn nhân lực. Thị trường ngành tại Việt Nam vẫn còn hiếm những artist có tay nghề chuyên môn cao nên mức thu nhập sẽ cao hơn bình quân. 
  • Thứ hai, về chi phí phần mềm. Kỹ xảo cần sử dụng nhiều phần mềm cao cấp khác nhau thực sự đắt tiền và cần được cập nhật thường xuyên. Một số phần mềm có chi phí lên đến 200.000.000 VNĐ/giấy phép. 
  • Thứ ba, những dự án với lượng lớn shot kỹ xảo phức tạp và yêu cầu chất lượng cao cần những trang thiết bị phù hợp như máy tính, card đồ họa có cấu hình mạnh,… 

Thời điểm những năm 2012, mỗi năm chỉ có khoảng 5-6 phim Việt Nam ra rạp, bây giờ con số ấy lên đến hàng chục! Vì vậy, theo lẽ tự nhiên, kỹ xảo trong các phim điện ảnh có mối quan hệ chặt chẽ với nhu cầu thưởng thức sản phẩm chất lượng, đáp ứng thị hiếu người xem. Ngày càng nhiều phim Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Việt Nam muốn sử dụng kỹ xảo, họ mong đợi chất lượng Hollywood với mức kinh phí thấp. Thế nhưng, điều đó cho thấy đây là nơi vẫn còn dư địa để phát triển. 

 

Từng làm việc với nhiều đối tác và tham gia thực hiện hiệu ứng kỹ xảo cho hàng loạt dự án bom tấn gần đây, anh nhận thấy nhu cầu sử dụng và mức độ đầu tư kỹ xảo trong phim Việt chiếu rạp hiện nay như thế nào? Các nhà sản xuất cần điều gì khi ứng dụng kỹ xảo cho các tác phẩm?

Ngày nay, các nhà làm phim đều biết rằng họ có thể vượt xa những gì có thể tiếp cận được trong thực tế. Chẳng hạn, họ có thể thực hiện các pha nguy hiểm như nổ xe, đấu súng hoặc quay phim ở những địa điểm nguy hiểm như dưới nước hoặc trên đỉnh núi. Nắm bắt xu hướng mới hiện nay là tham gia vào phong cách giả tưởng và khoa học viễn tưởng: thế giới tưởng tượng, thế giới tương lai, người ngoài hành tinh,… đòi hỏi các nhà làm phim phải làm việc cật lực và cực kỳ cẩn thận từ giai đoạn Pre-Production (Tiền kỳ) cũng như tính toán nguồn ngân sách chính xác. Điều này đồng nghĩa với việc các studio VFX cũng cần phải tham gia từ giai đoạn kịch bản phim để đóng góp ý kiến, đưa ra những lời khuyên bổ trợ cho đoàn đạt hiệu quả tốt nhất. 

Một thực trạng của phim Việt Nam hiện nay là nhu cầu chất lượng kỹ xảo ngày càng cao nhưng ngân sách không đủ đáp ứng. Một bộ phim Hollywood sẽ có ngân sách khoảng 100 triệu USD chỉ dành cho VFX, ở Việt Nam thường từ 10,000 đến 100,000 USD và phần lớn là không đủ so với kỳ vọng của các nhà làm phim Việt. 

Nhiều tựa phim Việt đã tái hiện lại được các phân cảnh kỳ ảo, tạo thêm nhiều đất diễn cho kịch bản fantasy. 

 

Phim Việt trước giờ vẫn chú trọng vào nội dung và kịch bản hay, vậy việc ứng dụng kĩ xảo cho điện ảnh đã mang đến những thay đổi gì?

Ngành điện ảnh Việt Nam không nên thay đổi câu chuyện của họ chỉ để làm phim theo hướng VFX. Nó sẽ chuyển sang kiểu phim Hollywood kể những câu chuyện ở mức trung bình với hình ảnh mãn nhãn thôi. Chúng ta nên tập trung vào câu chuyện và VFX ở đây để hỗ trợ câu chuyện đó chứ không phải ngược lại.

 

Giải pháp nào cho những nhà làm phim cần kĩ xảo để hút khách trong khi kinh phí đầu tư cho VFX lại hạn chế?

Cần nhiều tư duy hơn ở giai đoạn phát triển, tìm ra cách thông minh và hiệu quả để kể một câu chuyện mà không tốn quá nhiều tiền cho VFX. Mặc dù đây là công việc của chúng tôi để làm VFX, nhưng tôi luôn khuyên các nhà làm phim nên tìm cách tránh sử dụng VFX!

Bad Clay Studio tham gia thực hiện VFX cho phim Hai Phượng 

 

Tại sự kiện Roundtable vừa qua, các đại diện studios đều chia sẻ ngành kĩ xảo ở Việt Nam vẫn chưa thể bắt kịp, thậm chí cách xa các quốc gia phát triển. Vậy, những studios và artists hiện ở Việt Nam trau dồi như thế nào?

Việt Nam đang dần bắt kịp thế giới và nhiều nghệ sĩ có tài năng. Vấn đề là đoàn kết, tạo ra một cộng đồng mạnh hơn, cải thiện các trung tâm đào tạo để theo xu hướng chuyên nghiệp.  

 

Trong chương trình Roundtable: Vietnam VFX-Animation Industry 2020-2025, từ khóa được các Studio dùng nhiều nhất là “well organized” (công tác tổ chức tốt), các yếu tố tác động như nhân sự, quy trình,… . Vậy những vấn đề chính mà hầu hết các Studio đang gặp phải là gì?

Ngành VFX, Animation cũng khá mới ở Việt Nam nên mọi người chưa đủ nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức.

Thứ nhất, một người phải đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau và làm khối lượng công việc cùng một lúc khá nhiều. Điều này khiến các bạn khó tập trung vào đúng chuyên môn mình giỏi nhất.

Thứ hai, muốn tìm người Management (Quản lý) hay Producer (Sản xuất), mình vẫn phải training lại cho họ. Một phần ở Việt Nam chưa có trường đào tạo chuyên sâu về mảng này, một phần chúng ta thiếu nguồn nhân lực từ nước ngoài sang Việt Nam trực tiếp đào tạo cho nhân viên.

Bản thân Bad Clay đã phải thuê một vài vị trí là các chuyên gia nước ngoài. Đó là lý do mình muốn các Studio cùng chia sẻ những nhu cầu thực tại để tìm ra hướng giải quyết.

 

Tốc độ đào thải của ngành rất lớn, làm sao để các Studio bắt kịp được xu hướng?

Lúc tôi còn làm ở Double Negative, có một bạn đồng nghiệp đã làm rất nhiều năm ở các công ty lớn. Bạn ấy thậm chí không biết cách chép file nhưng lại biết nhờ đến sự giúp đỡ của đồng đội. Sau một thời gian làm việc và tìm hiểu, mình mới biết bạn cực kỳ giỏi Texture. Nếu bạn giỏi một mảng nào đó thì hãy học tập, hãy trải nghiệm thật nhiều để giỏi hơn trong chính mảng đó. Còn nếu bạn muốn giỏi hết tất cả thì thực sự rất khó. Chính vì thế, để bắt kịp xu hướng mà vẫn có kỹ năng chuyên môn tốt, bạn cần có đồng đội. Hãy tin tưởng vào họ để cùng nhau phát triển.

MỘT SỐ BÀI VIẾT KHÁC:

  • Bad Clay bắt tay thực hiện series Case Study cùng Học viện MAAC: tại đây
  • Trạng Tí Phiêu Lưu Ký – Phim fantasy có hơn 1000 shot VFX: tại đây